Chàng kỹ sư bỏ phố về quê làm nông dân đều tay lãi gần 400 triệu/năm
Những năm trở lại đây, trang trại nuôi ốc nhồi của anh Trần Văn Công ở xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trở nên nổi tiếng với bà con nông dân.
Với mức lương gần 20 triệu đồng là ước mơ của nhiều sinh viên mới ra trường nhưng anh Công sau khi tốt nghiệp ngành Tự động hóa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã quyết định về quê Ninh Bình khởi nghiệp.
Tại trang trại nuôi ốc rộng cả nghìn mét vuông của nông dân Trần Văn Công, có thể thấy nhiều ao nuôi ốc được thiết kế bài bản bên trên mặt nước phủ bèo.
Cái duyên bén với công việc đồng áng chăn nuôi ốc của anh Công cũng rất tình cờ, trong một lần được bạn bè mời đi nhà hàng ăn và có gọi món ốc nhồi hấp, anh ngạc nhiên với một tô ốc nhồi nhỏ nhưng giá cả trăm nghìn đồng.
Lúc đó, anh nghĩ ngay tại nơi mình sinh ra ở Ninh Bình rất phù hợp để nuôi ốc. Nghĩ là làm, anh Công quyết định bắt tay vào làm giàu tại quê hương.
Từ những thành công đạt được của nông dân 9X Trần Văn Công, nói về tấm gương nông dân điển hình tại quê hương, ông Trần Văn Lực-Phó Chủ tịch UBND xã Lai Thành cho biết: "Mô hình nuôi con ốc nhồi của hộ anh Trần Văn Công xóm 12 rất hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Ngoài ra, anh Công mới sinh năm 1992 đã xây dựng được mô hình bài bản như thế cũng là động lực, gương sáng giúp thanh niên trên địa bàn xã học tập, noi theo".
Bỏ phố về quê làm giàu, anh Công chăm chỉ học hỏi và không ngần ngại đầu tư phát triển kinh tế. Sau một thời gian chăn nuôi ốc, hiện tại, anh Công có tổng diện tích ao nuôi ốc nhồi rộng khoảng 4.000 m2, được chia thành 2 cơ sở nuôi.
Nếu mua giống, anh Công cho biết giá sẽ dao động từ 100-250 đồng/con, loại ốc nhồi được 2 tuần tuổi. Giá ốc giống sẽ phụ thuộc vào từng thời điểm trong năm.
Thông thường trên thị trường giá ốc thương phẩm giá từ 80.000-90.000 đồng/kg, tùy số lượng mua (mỗi năm xuất bán từ 2-3 tấn ốc thịt). Những con ốc thương phẩm này chỉ cần nuôi 4-5 tháng là đã đạt size 30-40 con/kg.
Mang tâm huyết và khát vọng của tuổi trẻ và không ngần ngại chia sẻ bí quyết nuôi ốc với bà con, anh Công cho biết, để nuôi con ốc nhồi thành công, điều quan trọng đầu tiên là phải học hỏi kinh nghiệm, nắm vững các kỹ thuật chăm sóc và thiết kế ao nuôi, đặc biệt là cách giúp con ốc nhồi vượt qua mùa đông tại miền Bắc.
Chia sẻ bí kíp kỹ thuật nuôi ốc thành công
Nói về quề quyết định táo bạo từ bỏ mức lương kỹ sư đáng mơ ước với Dân Việt để về quê làm nông dân, Trần Văn Công cho hay: "Nuôi con ốc nhồi ngoài việc cho ăn các loại rau, củ, quả như: Bèo cám, cây rau muống, lá mướp…còn bổ sung thêm vitamin C cho ốc khỏe mạnh, kháng bệnh.
Loại ốc này chế biến được nhiều món ngon nên được khách hàng ưa thích. Tuy nhiên để nuôi thành công ốc nhồi cần chú ý đến môi trường sống và dịch bệnh. Ốc nhồi hay mắc các bệnh như: Bệnh ốc nước, sưng vòi, đường ruột, mòn vỏ…
Đối với bệnh ốc nước, khi môi trường sống của ốc thay đổi đột ngột, cụ thể là mưa xuống, anh Công thường dùng nước vôi trong, vôi thủy sản hòa cùng nước để tạt xuống ao nuôi.
Do đó để phát triển chăn nuôi ốc không bệnh, trong chăn nuôi, anh Công áp dụng bí quyết "vàng" làm sạch ao. Cụ thể, theo tỉ lệ là 20 lít nước vôi hòa cùng 50 lít nước sạch để tạt xuống ao sau cơn mưa lớn. Đồng thời chủ động rắc vôi bột quanh bờ ao nuôi ốc nhằm giảm độ PH cho nước.
Nói thêm về mẹo hay giúp con ốc nhồi vượt qua mùa đông tại miền Bắc, anh nông dân 9X này tiết lộ, vào thời điểm đầu đông nếu con ốc nhồi nuôi tự nhiên thì nên rút bớt nước, từ đáy ao để mực nước khoảng 30-40 cm, quanh bên vây lưới, tôn…nhằm tránh con chuột tấn công.
Tiếp đó, ủ cạn, bắt hết con ốc nhồi đưa vào thùng hoặc đưa vào bể (áp dụng đối với hộ nuôi số lượng ốc nhồi ít). Ba là, ủ trên bể, bể âm dưới đất và duy trì nhiệt độ khoảng 15 độ C, phía trên có mái che.
Sau vài năm nuôi ốc nhồi, từ những kinh nghiệm thực chiến và học qua các trải nghiệm thực tế, anh Công đã nghiên cứu ra mô hình nuôi ốc nhồi trên bể bạt dành cho những gia đình không có ao, ruộng mà vẫn muốn nuôi được con ốc nhồi.
Không chỉ nuôi ốc theo cách truyền thống, anh Công nuôi con ốc nhồi trong bể bạt. Phương pháp này rất nhiều ưu điểm, vừa kiểm soát và theo dõi rất tốt các loại bệnh của ốc, tiện trong việc thu hoạch hơn so với nuôi trực tiếp ở ao hoặc ruộng.
Mặc dù cách nuôi mới này hiện dại nhưng người chăn nuôi phải thường xuyên thay nước cho bể nên hơi bất tiện. Nếu thay nước chỉ được thay từ từ và tối đa là 30-50% lượng nước trong bể để tránh việc ốc bị sốc. Lưu ý, nước thay phải từ ao, hồ, sông và cũng cần phải đo độ PH trong nước để xử lý cho phù hợp với ốc.
Chỉ vài năm ngắn bó với ốc nhồi và có doanh thu ấn tượng, anh công mạnh dạn mở rộng quy mô lên khoảng 5.000 m2, trong đó có 1.000 m2 ao nuôi bằng bể bạt.
Không chỉ anh Công thành công với nuôi ốc ở quê nhà, trước đây cũng có một nông dân trẻ thành công với mô hình này và nhẹ nhành bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từng cử nhân ngành luật và có trong tay 2 tấm bằng đại học nữa nhưng anh Nguyễn Hữu Nhơn từ chối mức lương cao, bỏ phố về quê làm nông dân thứ thiệt.
Đến nay, trang trại của gia đình anh Nhơn có khoảng 7 ha diện tích mặt nước nuôi ốc bươu đen thương phẩm, ốc bươu đen giống và cả ốc dược liệu ở huyện Đức Linh, Bình Thuận.
Ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen đang là loại thực phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Những năm trở lại đây công việc nuôi ốc nhồi đang là một hướng phát triển kinh tế mới, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi này và mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
Trên thực tế kỹ thuật nuôi ốc nhồi được đánh giá là khá đơn giản, cách chăm sóc không quá phức tạp, nhưng bà con vẫn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật thì dễ dàng thành công và ít chi phí.
Ốc là thực phẩm quen thuộc với nhiều người. Chỉ cần 1-2kg ốc là bạn có thể được chế biến thành nhiều món ăn dân dã như bún ốc, ốc xào, canh ốc, ốc luộc hay những món ăn đặc sản: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng. Ốc nhồi còn dùng làm thuốc thông lợi đại tiểu tiện, giải uất nhiệt, tiêu thũng... là vị thuốc có lợi cho cơ thể con người.
Đặc biệt, thành phần dinh dưỡng: Ốc nhồi chứa 11,9% protid; 0,7% lipid, các vitamin (B1 0,01mg%; B2 0,06mg%; PP 1mg%); các muối (Ca 1.357mg%; P 191mg%). Ốc cung cấp 86 calo/100g thịt.
Không chỉ chế biến món ngon, theo Sức khỏe & Đời sống trong Đông y, thịt ốc có vị ngọt mặn, tính hàn; vào vị, đại tràng, bàng quang. Vỏ ốc có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, đái khó, phù nề, vàng da, bệnh tiểu đường, trĩ. Vỏ ốc có tác dụng giải tâm phiền. Cách dùng: nấu, hầm, nướng, xào (không dùng cho trường hợp tỳ vị hư hàn).
Trúc Chi (t/h)