Từ anh nông dân nuôi vịt chạy đồng…
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, anh Cao Xuân Hảo, ở xóm 4, xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) phải bỏ dở chuyện học hành để ở nhà phụ giúp bố mẹ làm lụng mưu sinh. Nhà chỉ có mấy sào ruộng khoán nên anh Hảo làm thêm nghề nuôi vịt chạy đồng theo thời vụ và nuôi vịt đẻ.
Tích góp được một số vốn liếng và vay thêm ngân hàng, anh Hảo đầu tư chăn nuôi vịt đẻ và nuôi lợn. Có thời điểm đàn vịt của anh lên tới 4.000 con, đàn lợn hơn 200 con, nhưng với cách nuôi vịt theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên trang trại của anh Hảo không phát triển, nhiều lứa lợn, vịt bị dịch chết hàng loạt, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Nhưng với quyết tâm không đầu hàng số phận, anh nông dân đã "vùng dậy" với cách làm ăn mới và ước mơ vươn ra "biển lớn".
… đến nông dân nuôi hươu tiền tỷ
Năm 2018, anh nông dân Cao Xuân Hảo đi tham quan trang trại nuôi hươu trên địa bàn và các tỉnh lân cận do UBND xã tổ chức, đọc thêm sách báo về kỹ thuật chăn nuôi, theo Dân việt.
Nghĩ là làm, anh Hảo mạnh dạn tiếp tục vay vốn ngân hàng xây dựng trang trại nuôi hươu. Năm đầu tiên anh nuôi 30 con hươu giống. Không ngờ sau 2 năm chăm sóc đã cho thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Nhờ chịu khó, không ngừng học hỏi, đến nay anh nhân đàn thành công đàn hươu lên 60 con. Từng bước vươn lên, anh đầu tư hai dãy chuồng trại với 60 chuồng bằng gỗ với chi phí hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài việc bán nhung hươu tươi anh Hảo còn phối giống, cho hươu sinh sản để bán giống. Sau 3 tháng hươu có thể xuất bán với giá từ 17 triệu đồng/con (hươu đực) và từ 10-12 triệu đồng/con (hươu cái). Mỗi năm, anh Hảo xuất bán trên 15 hươu giống ra thị trường.
"Nuôi hươu cũng dễ. Quan trọng biết cách nuôi khoa học, khép kín, nhưng chuồng trại phải thoáng mát gần gũi và thân thiện với thiên nhiên. Đặc biệt, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dùng đệm lót sinh học để các chuồng được sạch sẽ", anh Hảo bật mí.
Đặc tính của hươu rất nhạy cảm, hạn chế người lạ vào tránh hươu giật thột húc, nhảy lung tung, ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh sản. Con đực, con cái phải nhốt riêng, mỗi con một chuồng để tránh vào mùa động dục sẽ tấn công nhau, gây thương tích.
"Tôi trồng vườn mít, trồng các loại cây thảo dược để làm thức ăn cho hươu. Nguồn thức ăn luôn đầy đủ, cho ăn một cách khoa học tùy theo độ tuổi và các thời kỳ sinh trưởng và sinh sản của hươu. Chính vì cho hươu ăn một cách khoa học cùng với các loại thảo dược nên nhung hươu rất tốt, được khách hàng ưa chuộng", anh Hảo chia sẻ.
Theo anh Hảo, con hươu đực trưởng thành mỗi năm cho cắt lộc 2 lần, mỗi lần cắt được khoảng 1,7- 2 kg, lãi từ 12 - 15 triệu đồng/con từ việc bán nhung hươu tươi. Mỗi năm anh Hảo thu lãi ròng từ bán nhung hươu và hươu giống hơn 500 triệu đồng.
"Sắp tới tôi sẽ làm thêm chuồng trại để nâng số lượng đàn hươu, mở rộng quy mô, liên kết với các trang trại nuôi, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Tiếp tục hỗ trợ nguồn giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, nhất là đoàn viên, thanh niên muốn lập nghiệp bằng kinh tế trang trại.
Tôi cũng sẽ mở một xưởng chế biến các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ nhung hươu như: Rượu nhung hươu, bột nhung hươu, nhung hươu ngâm mật ong", anh Hảo cho biết.
Song song với mô hình nuôi hươu, anh Hảo vẫn duy trì đàn vịt đẻ 2.000 con cùng với thả cá nước ngọt và chăn nuôi lợn. Mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 4-5 nhân công với mức lương khá cao.
Cũng thành công với mô hình nuôi hươu hiệu quả kinh tế cao, gia đình bà nông dân Đặng Thị Hằng ở thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái tham quan một số trại nuôi hươu thành công ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An về đã động viên gia đình áp dụng mô hình này để phát triển kinh tế.
Những năm đầu, nhà bà Hằng thu nhập vài chục triệu từ bán nhung, năm 2023, gia đình bà được Hội nông dân cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ nguồn vốn đó, gia đình bà Hằng tiếp tục đầu tư mua thêm hươu cái và mở rộng chuồng, theo Nông Nghiệp.
Đến nay, tổng đàn huơu thường xuyên duy trì từ 25 - 30 con, trong đó có 7 con hươu đực đang cho khai thác nhung, và có 11 con hươu cái sinh sản, còn lại là hươu con. Mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ bán nhung và con giống.
Một kg nhung hươu có giá 20 triệu đồng, hươu giống nuôi 3 tháng có giá từ 13 - 14 triệu đồng. Hươu đực nuôi 3 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch nhung, mỗi năm được khai thác 2 lần, tùy theo độ tuổi sẽ cho trọng lượng nhung khác nhau, thường từ 0,5 - 1 kg/lần. Hươu cái nuôi 2 năm tuổi bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm sẽ đẻ 1 lứa. Tổng thu nhập của gia đình bà Hằng mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng.
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi hươu sao, chính quyền xã Minh Quân đang tiếp tục vận động, hỗ trợ cho nhiều nông dân tiếp cận, nhân rộng mô hình này.
Ông Dương Đăng Hoàng - Chủ tịch UBND xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Anh Cao Xuân Hảo là tấm gương vượt khó vươn lên, dám nghĩ dám làm. Mô hình nuôi hươu của anh Hảo là một trong những mô hình điển hình của huyện Diễn Châu. Đây cũng là mô hình được chọn để bà con nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập".
KHÁNH LINH (t/h)