Sau nhiều lần thất bại, suýt sạt nghiệp, đến nay anh Lê Văn Lâm (SN 1991, xóm Bình Long, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã phát triển trang trại nuôi dúi quy mô lớn. Con dúi- đặc sản đang mang về doanh thu cho anh hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Thái Nguyên, ra trường đi làm nhưng thu nhập không đáp ứng được yêu cầu, nên anh Lê Văn Lâm (SN 1991, xóm Bình Long, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) quyết định nghỉ việc về đầu tư chăn nuôi dúi.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Lâm cho biết: "Gia đình tôi quê ở Thanh Hoá. Khoảng những năm 2009, 2010, bố tôi đã nuôi dúi mốc và phát triển rất tốt mô hình này.
Tuy nhiên, thời điểm đó lại không tìm được đầu ra vì dúi mốc trong rừng vẫn rất nhiều. Đến khoảng những năm 2015, 2016, khi nhà nước có quy định đóng cửa rừng thì mô hình này của gia đình tôi mới phát triển mạnh".
Trên cơ sở mô hình đã có tại quê nhà, năm 2016, anh Lâm xin hỗ trợ nguồn vốn, con giống từ bố và phát triển mô hình nuôi dúi tại Thái Nguyên với khoảng 200 con.
Anh Lâm cho biết, thời điểm đó anh là người đầu tiên nuôi dúi tại Thái Nguyên được cấp phép. Tuy nhiên, do chưa nắm chắc kỹ thuật nên anh nhiều lần thất bại, dúi liên tục chết với số lượng lớn.
Cạn kiệt nguồn vốn nhưng không từ bỏ, anh Lâm lại tiếp tục vay thêm vài trăm triệu với lãi suất cao để duy trì và phát triển mô hình. Sau một thời gian, anh đã tìm ra được nguyên nhân khiến dúi chết và khắc phục dần, cuối cùng mô hình cũng thành công.
Đến năm 2020, anh Lâm tham gia vào HTX chăn nuôi và nhân giống bảo tồn động vật, góp vốn cùng các thành viên khác phát triển mô hình nuôi dúi và một số loài động vật hoang dã khác. Theo anh Lâm, so với các con vật khác đang nuôi tại HTX, con dúi vẫn là con vật dễ bán và cho thu nhập kinh tế cao nhất.
Anh Lâm chia sẻ, điều cần lưu ý trong quá trình nuôi dúi là yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và chuồng trại. Trong đó, chuồng trại nuôi dúi phải khép kín nhưng đảm bảo yếu tố thoáng mát.
"Về cơ bản, trong quá trình nuôi dúi không hay mắc bệnh, chỉ thỉnh thoảng mắc bệnh cúm, hô hấp do thay đổi thời tiết nhưng bệnh này dễ chữa. Ngoài ra, dúi có thể mắc bệnh tiêu chảy nhưng rất ít khi bị", anh Lâm cho hay.
Hiện nay, trang trại của anh Lâm luôn nuôi khoảng 700 – 800 con dúi má đào và dúi mốc tuỳ từng thời điểm.
Ngoài bán dúi giống, anh Lâm còn bán cả dúi thương phẩm. Khách hàng mua dúi giống sẽ được anh hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Mỗi cặp dúi mốc giống đang được anh Lâm bán với giá trung bình từ 2 – 3 triệu đồng/cặp, còn dúi má đào có giá 5 – 6 triệu đồng/cặp.
Anh Lâm cho hay, dúi má đào thường có trọng lượng trung bình từ 4 – 5kg/con trưởng thành. Trung bình mỗi cặp dúi bố mẹ sau một năm chăm sóc ở chế độ tốt và chọn lọc kỹ lưỡng sẽ xuất bán với giá khoảng trên 20 triệu đồng/cặp.
Còn với những cặp không qua chọn lọc chỉ có giá khoảng 10 triệu đồng/cặp. Dúi mốc chỉ có giá thấp hơn, chỉ từ 3 – 7 triệu đồng/cặp.
Với dúi mốc thương phẩm, thời gian nuôi từ khi sinh sản đến khi xuất bán kéo dài khoảng 7 – 8 tháng. Lưu ý chỉ bán khi dúi đạt trọng lượng khoảng 1,3 - 1,5kg/con, nếu dúi đạt trọng lượng trên 2kg sẽ rất nhiều mỡ và khó bán (giá bán khoảng 600.000 đồng/kg).
Còn với dúi má đào, thời gian nuôi khoảng 10 tháng, vì loại này ít mỡ nên chỉ khi dúi đạt trọng lượng từ 2,5 - 5kg/con mới bắt đầu xuất bán thương phẩm (giá trung bình 800.000 đồng/kg).
Hiện, anh Lâm chủ yếu bán dúi thương phẩm cho các thương lái để mang đi giao cho các nhà hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Với quy mô chăn nuôi dúi như hiện nay, trang trại của gia đình anh Lâm đang tạo việc làm cho khoảng 6 lao động với thu nhập trung bình từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm doanh thu từ nuôi dúi của gia đình anh Lâm khoảng 1 tỷ đồng.
Cũng thành công từ trang trại nuôi dúi, anh Nguyễn Đức Trường ở Nghệ An gác bằng đại học về nuôi dúi đem lại thu nhập khá giả cho gia đình.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh từ năm 2002, mặc dù đã đứng trên bục giảng 4 năm, nhưng sau đó anh Nguyễn Đức Trường không tiếp tục theo nghề giáo viên mà chọn con đường xuất khẩu lao động để mong muốn sớm có vốn tích luỹ. Sau 2 năm lao động ở nước ngoài, năm 2014, từ quê hương xã Bắc Thành, anh quyết định lên xã miền núi Minh Thành (Yên Thành) để lập nghiệp sau đó mua 7.000 m2 đất tại xóm 8, xã Minh Thành, kết hợp với ươm cây giống và nuôi dúi.
Anh Trường cho biết, đầu năm 2023, sau khi xây dựng xong hệ thống chuồng trại, khởi đầu với 70 cặp dúi sinh sản, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ tài liệu, đến nay đàn dúi đã nhân lên 300 cặp. Sở dĩ đàn dúi tăng nhanh là do, dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Thấy nhu cầu thị trường cao, nhiều người dân trong vùng đến tìm hiểu cách nuôi và được anh hướng dẫn, cung ứng con giống. Tuy nhiên, quy mô nuôi của bà con vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tạo được hàng hoá.
"Đặc điểm dễ nuôi nhất đối với con dúi, chúng thích ăn nhất là thân cây tre, ngô, mía. Thân cây tre, mía mang về chặt ngắn, chẻ ra, vứt vào cho chúng gặm cả ngày. Những loại thức ăn này có sẵn ở các vùng nông thôn, nên chi phí thấp. Cùng đó, chuồng trại cũng dễ làm, nên ai cũng có thể đầu tư nuôi được. Dúi chỉ ăn các loại thức ăn khô, sạch, đặc biệt chúng không uống nước, nên chuồng trại luôn khô ráo, ít ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để con dúi phát triển là từ 25 - 28 độ C, do vậy, cần đầu tư lắp đặt hệ thống quạt gió hơi nước để làm mát vào mùa Hè", anh Nguyễn Đức Trường chia sẻ.
Dúi nuôi mang lại giá trị cao, thị trường tiêu thụ tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên, mô hình nuôi dúi trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, rải rác ở nhiều nơi. Do thức ăn cho dúi dễ tìm kiếm trong vùng nông thôn và chi phí để nuôi dúi cũng không lớn, nên khuyến khích người dân nuôi để phát triển kinh tế.
KHÁNH LINH (t/h)