Anh Nguyễn Văn Quang, SN 1973, trú tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một trong những nông dân điển hình với phương pháp trồng nấm sạch. Đây là mô hình được đánh giá triển vọng tại địa phương này. Tuy nhiên để có được thành quả như ngày hôm nay, người đàn ông này gặp không ít khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp.
Theo đó, năm 2007, để có chút vốn liếng tích luỹ, anh Nguyễn Văn Quang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Sang xứ người, anh Quang được làm việc ở trang trại trồng nấm sạch và rau cần. Khi mới bắt đầu sang làm việc, người đàn ông này khá bất ngờ bởi cách trồng nấm khoa học ở xứ sở kim chi. Hầu hết các khâu sản xuất đều thực hiện bằng máy móc trong nền nhiệt độ thấp từ 18-20 độ C. Nấm của họ được trồng quanh năm, cho sản lượng hàng trăm tấn và chất lượng sạch.
Trong quá trình làm thuê ở đây, anh Quang cố gắng tích góp vốn liếng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, học “lỏm” công nghệ máy móc. Và từ đó trong anh đã có một kế hoạch táo bạo để khi về nước gây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Anh cố gắng nhớ và ghi chép cẩn thận công thức làm nấm và cách lắp ráp, điều hành máy móc để sản xuất nấm.
Sau 10 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh trở về quê nhà quyết định làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2018, anh Quang bắt tay vào kế hoạch mở trang trại. Vợ chồng anh đã bỏ ra hơn 2,5 tỷ đồng để xây dựng trang trạng trồng nấm với diện tích hơn 1.500m2. Vì tính làm ăn lâu dài nên anh Quang đầu tư trang trại khá bài bản.
Trang trại của anh được chia thành 16 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 18m2, được trang bị bởi tấm cách nhiệt. Hệ thống tưới phun, dẫn nhiệt,…đều được người đàn ông này đầu tư theo hướng tự động hoá.
Với kiến thức học được, người đàn ông này đã mày mò chế tạo, lắp ráp máy trộn nguyên liệu, lò hấp, máy đóng bịch phôi, nồi hơi… Vì chủ động về kỹ thuật nên anh cũng tiết kiệm được cả tỷ đồng so với việc nhập máy móc nhập khẩu từ nước ngoài về. Và quan trọng nhất với cách làm này có thể tiết kiệm được năng lượng, nhân công và nguyên liệu.
Khi đã đầu tư được trang trại máy móc, anh Quang chọn loài nấm bào ngư để trồng. Sau mấy tháng vận hành, anh Quang đã trồng 15.000 bịch phôi và cho thu hoạch lứa đầu tiên thành công hơn mong đợi. Những bịch phôi cho ra tai nấm bào ngư to đều, trắng đẹp.
“Nấm bào ngư là loại nấm giàu chất dinh dưỡng, dễ trồng, cho năng suất cao,… Vì áp dụng quy trình khép kín, kỹ thuật tiên tiến, sử dụng nguồn nước đập của địa phương giàu chất dinh dưỡng tưới cho nấm nên tôi tiết kiệm được chi phí và cho năng suất cao. Tuy nhiên, điều khó khăn lúc này là đầu ra cho nấm.
Để tiêu thụ mỗi ngày 1-3 tạ nấm không hề đơn giản như tôi nghĩ lúc ban đầu. Vì vậy, tôi lên kế hoạch để tiêu thụ nấm. Cùng với việc bán lẻ ở chợ, tôi đẩy mạnh liên kết ở các nhà hàng, đại lý thực phẩm tươi sạch. Đặc biệt, tôi bán hàng trực tiếp đến nơi tiêu thụ chứ không qua khâu trung gian”, anh Quang chia sẻ.
Người đàn ông này cho biết, sản xuất nấm với mục đích tiêu thụ sản phẩm nhưng không phải anh bán nó bằng mọi giá. Không phải đại lý đặt bao nhiêu là bán bấy nhiêu mà anh luôn căn lượng nấm mà đại lý đó có thể tiêu thụ mỗi ngày để cung ứng. Bởi nếu lượng nấm không tiêu thụ được sẽ tồn đọng, ảnh hưởng đến chất lượng nó sẽ ảnh hưởng đến khách hàng. Từ đó, làm mất uy tín của đại lý cũng như cơ sở sản xuất. Trong trường hợp nấm tồn đọng, giảm chất lượng, xưởng anh Quang sẵn sàng thu lại đổi trả cho khách.
Ngoài ra, anh Quang còn tính toán mùa vụ cụ thể để sản xuất nấm phù hợp. “Theo kinh nghiệm của tôi, những ngày tháng Bảy Âm lịch, ngày mồng 1, ngày rằm lượng nấm tiêu thụ sẽ tăng mạnh hơn bởi nhu cầu ăn chay của người dân. Vì vậy những thời điểm này tôi sẽ tăng cường sản xuất số lượng nấm phù hợp với nhu cầu. Hay những khi thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ kéo dào, nắng hạn hán, lượng rau xanh giảm thì nhu cầu sử dụng nấm cũng tăng cao. Vì vậy việc điều tiết sản xuất nấm vô cùng quan trọng”, anh Quang chia sẻ thêm.
Ngoài loại nấm bào ngư, người đàn ông này còn trồng thêm nấm tai mèo, nấm kim chi. Không dừng lại ở đó, anh Quang còn chuyển sang nghiên cứu trồng nấm trong lọ nhựa để giảm chi phí và chủ động điều chỉnh năng suất theo ý muốn.
Vì sử dụng chai nhựa thì có thể tái sử dụng nhiều lần, năng suất cao hơn. Xưởng sản xuất nấm của anh tạo công ăn việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Với mô hình sản xuất nấm hiện đại như thế này, trang trại trồng nấm của anh Quang cho doanh thu gần nửa tỷ đồng/năm.
Ông Hồ Đình Thắng, Chủ tịch hội Nông dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết, cơ sở trồng nấm của anh Quang được đầu tư bài bản, quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao. Hội nông dân huyện đang đẩy mạnh liên kết để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, trong đó có cơ sở trồng nấm của anh Quang. Trước mắt phía hội đang phối hợp tổ chức công đoàn đưa nấm vào các hội chợ dành cho công nhân và các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp.
Ngọc Ánh - Hà Hằng