Anh Nguyễn Văn Trúc (28 tuổi) ngụ ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước (huyện Tân Hồng) khởi nghiệp với mô hình nuôi chồn hương sinh sản, bước đầu mang lại hiệu quả.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về quá trình khởi nghiệp, anh Trúc kể, đầu năm 2022 anh nghỉ việc công ty về quê xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp xây chuồng nuôi chồn hương vì thấy khu vực có nuôi, nhưng ở địa phương chưa có. Nuôi chồn hương chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng nhẹ công chăm sóc, bán thương phẩm được giá cao.
“Nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, tôi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó, tôi quyết định “khởi nghiệp” từ việc nuôi chồn hương sinh sản. Vào tháng 7/2022, tôi nuôi thử nghiệm 6 con chồn hương bố mẹ và chồn hương con”, anh Nguyễn Văn Trúc nhớ lại.
Mặc dù bản thân đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ cơ sở cung cấp con giống, nhưng khi mới bắt đầu mua con giống ở tỉnh Bạc Liêu về nuôi anh Trúc cũng không tránh khỏi hao hụt. Nhưng với suy nghĩ “Có công mài sắt có ngày nên kim”, anh không ngừng tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ những người có nhiều năm nuôi chồn hương, áp dụng vào mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó đàn chồn hương của anh Trúc phát triển tốt, sinh sản nhanh.
Theo anh Trúc, việc nuôi chồn hương không đòi hỏi tốn nhiều diện tích đất và ít tốn công chăm sóc, chồn hương nuôi khoảng 10 tháng tuổi là có khả năng cho sinh sản, mỗi con sinh sản từ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa sinh từ 2 - 5 con, chồn hương con nuôi khoảng 5 tháng (đạt khoảng 3kg/con) có thể xuất bán thương phẩm, giá bán thường ổn định ở mức cao, do đó, người nuôi chồn hương có lợi nhuận khá.
Thêm vào đó, nguồn thức ăn của chồn hương khá rẻ và dễ tìm mua, như chuối xiêm, cá rô phi, tai ếch... Trung bình mỗi ngày chúng tiêu thụ 10kg thức ăn, giá khoảng 50.000 đồng.
Hiện ở địa phương, chồn hương con nhỏ trọng lượng 800g - 1,2kg giá bán 10 - 12 triệu đồng/cặp. Con lứa giá 10 - 12 triệu/con trọng lượng 2 - 3kg. Từ 4 - 5kg, con đực giá dao động từ 15 - 20 triệu đồng/con. Thịt thương phẩm giá từ 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg, không có hàng bán.
"Đến thời điểm này, mô hình đã ổn định gồm 100 ô nuôi 30 con bố mẹ và 60 con baby. Trung bình 4 tháng xuất bán khoảng 40 con, thu nhập trên 400 triệu đồng. Sắp tới mình sẽ mở rộng thêm quy mô chuồng, do nhu cầu phát triển đàn, lượng con giống tăng lên", anh Trúc nói.
Ông Hồ Văn Lý - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng - cho biết mô hình nuôi chồn hương của anh Trúc khá thành công. Lượng giống bán ra không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện, đạt hiệu quả kinh tế khá cao. "Đây là mô hình chăn nuôi mới, đem lại hiệu quả kinh tế, ngành nông nghiệp huyện có đồng hành hỗ trợ kỹ thuật cũng như định hướng nhân rộng mô hình”, ông Lý nói.
Trao đổi với báo Đồng Tháp, ông Đào Bảo Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước thông tin thêm: “Mô hình nuôi chồn hương của hội viên Nguyễn Văn Trúc là một trong những mô hình hay, cách làm mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn. Hướng tới, Hội Nông dân xã Tân Phước phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện xem xét nhận vốn ủy thác để hỗ trợ cho anh Trúc mở rộng mô hình nếu có nhu cầu. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc chồn hương cho các hộ dân ở trong và ngoài xã Tân Phước có nhu cầu nuôi chồn hương thương phẩm”. Mô hình nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Trúc là hướng đi mới, không những góp phần phát triển kinh tế, mà còn lan tỏa phong trào khởi nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Tân Hồng.
Minh Hoa (t/h)