Sinh ra trên miền cát trắng bạt ngàn, anh Trần Văn Thành (50 tuổi, tổ dân phố Yên Lư, thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) trồng các loại nông sản đặc trưng của địa phương như: Khoai lang, khoai môn, củ kiệu, cà chua… Anh luôn ấp ủ và mong muốn tận dụng được diện tích đất bỏ hoang trong vườn nhà, nhưng trồng cây gì và nuôi con gì, thị trường tiêu thụ như thế nào là câu hỏi khiến anh trăn trở.
Chia sẻ với Dân Trí, anh Thành cho biết, ban đầu, gia đình anh nuôi ba ba thương phẩm, nhận thấy đất vườn còn nhiều nhưng để trống thì phí, anh lên mạng tìm hiểu thì được biết về mô hình nuôi cá chình bông.
Nghĩ là làm, cha con anh Thành lặn lội vào Phú Yên để tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá tại đây. Sau khi nắm được kiến thức, kinh nghiệm, anh đặt mua 800 con cá giống về thả nuôi. Anh Thành xây 4 bể xi măng với diện tích 85m², đặt máy bơm nước, hệ thống tạo oxy và thả một số ống nhựa để làm nơi trú ẩn cho cá.
"Tôi xây bể tráng xi măng kiên cố để chống thấm nước và rào lưới phòng tránh thất thoát cá vào mùa mưa. Trong bể tôi đặt một số ống nhựa lớn để làm hang trú ẩn cho cá chình, đặt máy bơm nước, hệ thống tạo oxy.
Khu nuôi cá chình được che lưới chống nắng để ánh sáng không rọi vào nhiều, giảm bức xạ. Ban đêm cá chình thường ra khỏi hang đi ăn khắp bể, nên có thể tranh thủ sục khí 100% để cung cấp oxy cho chúng", anh Thành chia sẻ.
Cá chình là loài sống sạch, vì thế yếu tố giữ môi trường nước sạch rất quan trọng. Anh Thành kiểm tra nước thường xuyên, để tránh nước cạn quá cá sẽ bị nóng hoặc bị lạnh. Mỗi tuần, anh thay nước và vệ sinh bể 2 lần nhằm hạn chế các mầm bệnh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá. Duy trì mực nước trong bể ở độ sâu khoảng 80-120cm, cách bờ ao ít nhất 60cm.
Cũng theo anh Thành, cá chình có đặc điểm sống về đêm nên hầu như ban ngày cá không bao giờ xuất hiện, chỉ sống dưới tầng đáy, sau khi ăn thì ngủ. Vì thế, mỗi ngày anh chỉ cho cá ăn 1 lần vào buổi tối, chi phí thức ăn không nhiều, ít tốn công chăm sóc.
Bên cạnh đó, để giải quyết nguồn thức ăn cho cá chình bông, anh Thành nghĩ đến mô hình nuôi trùn quế, thế là anh lại học hỏi, tìm tòi. Sau khi nắm được kỹ thuật nuôi trùn, vấn đề nguồn phân bò cho trùn quế ăn được anh Thành giải quyết bằng cách chăn nuôi bò lai 3B.
Anh Trần Văn Thành chia sẻ: "Mô hình này tự tôi nghĩ ra thôi, mình cần cái gì thì lại học thêm cái đó, học mọi người rồi mày mò trên mạng. Vì làm trang trại gần nhà, xung quanh có hàng xóm, nên tôi nghĩ vấn đề giải quyết chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường rất quan trọng. Theo tôi, không biết thì cứ học, rồi áp dụng thực tế coi như rút kinh nghiệm".
Cá chình bông nuôi khoảng 12 tháng sẽ đạt kích cỡ từ 0,8-1kg/con, nuôi 18-24 tháng có thể đạt 1,6-2 kg/con, lúc này tùy vào nhu cầu thị trường và giá cả mới tiến hành thu hoạch. Trong đó thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc hiện rất chuộng cá chình bông của Việt Nam.
Nhờ đảm bảo lượng thức ăn và tiêu chuẩn hồ nuôi nên đàn cá chình phát triển tốt, sau 2 năm thả nuôi, anh Thành đang xuất bán cá chình với giá hơn 600.000 đồng/kg. Lứa đầu tiên gia đình anh thu lợi nhuận không dưới 80 triệu đồng.
Anh Thành cho biết anh nuôi cá chình bông theo hình thức "gối đầu", các bể xi măng được thả nuôi theo từng giai đoạn, cá có liên tục để cung cấp ra thị trường. Nếu nuôi cá diêu hồng, cá lóc cần diện tích rộng thì nuôi cá chình chỉ cần 20-100m2 là đủ điều kiện nhân rộng mô hình này.
Thấy hiệu quả kinh tế khả quan, anh Thành tiếp tục xây thêm hồ nuôi cá chình với diện tích 50m2 để thả nuôi 500 con cá chình giống. Hiện, số lượng cá chình bông trong các bể của anh Thành khoảng 2.000 con, nhiều kích cỡ khác nhau.
Ngoài cá chình, anh còn nuôi 1.000 con ba ba, 10 con bò 3B và nuôi trùn quế.
Ba ba là loài ăn tạp nên chi phí thức ăn thấp, anh Thành chủ yếu cho ăn phổi, đầu cá tạp. Thả bèo tây trên mặt nước để làm nơi cho ba ba trú ẩn, tránh nóng hoặc rét.
Anh Thành chia sẻ: "Với diện tích đất vườn rộng, tôi mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín 4 trong 1 để bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế bền vững. Từ nguồn nước thải nuôi cá chình, tôi dùng để tưới vườn cây ăn quả và tưới cỏ. Cỏ sẽ được làm thức ăn nuôi bò, phân bò dùng để nuôi trùn quế và trùn quế sẽ là thức ăn nuôi cá chình, ba ba".
Hiện tại, anh Thành có trại nuôi trùn quế khoảng 100m2, chia làm 3 ô lớn. Trùn quế khá dễ nuôi, không cần làm chuồng trại tốn kém, chỉ cần xây thành các ô chứa có mái che, xung quanh dùng bạt che chắn lại không cho mưa tạt và ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp là có thể dùng làm chuồng nuôi.
Phân bò trộn với trùn quế trong 10-15 ngày sẽ phân hủy thành phân vi sinh, dùng làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Từ đó anh bán kiếm thêm thu nhập mà lại không gây ô nhiễm môi trường.
Anh Thành vui vẻ nói với Dân Việt: "Nuôi cá chình thương phẩm rất nhàn, chi phí thấp mà lại có giá cao nên tôi thường gọi là cá "nhà giàu". Trung bình mỗi năm, tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi kết hợp cá chình, nuôi bò và ba ba. Thêm vào đó, công việc trồng trọt cũng đem lại nguồn thu khá, giúp đời sống gia đình tôi được cải thiện và khấm khá hơn".
Với ý chí dám nghĩ dám làm, mô hình nuôi cá chình bông và trang trại khép kín của anh Thành trở thành địa chỉ được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ông Lương Văn Ánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn - cho hay, mô hình chăn nuôi kết hợp này của ông Trần Văn Thành là một mô hình rất hay, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo môi trường. Huyện sẽ quảng bá và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Anh Thành cho biết, dự định sắp tới sẽ phát triển thêm mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm, phát huy tối đa lợi thế của mô hình chăn nuôi tuần hoàn, khép kín, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Minh Hoa (t/h)