Từng có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Đinh Vũ Hải ở Bạc Liêu nhận thấy những năm gần đây, môi trường nuôi tôm ô nhiễm nặng nề, tôm bị dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, giá thức ăn, con giống, điện, công nhân, thuốc thú y thủy sản... đều tăng cao. Đặc biệt, giá tôm thương phẩm được xem là sụt giảm thê thảm nhất từ trước đến nay nên nhiều người nuôi tôm công nghệ cao như ông dù trúng lớn, sản lượng đạt cao nhưng vẫn thua lỗ nặng nề.
Mặc dù đã cố gắng với mô hình nuôi tôm nhưng không thành công, đầu năm 2022, ông Hải quyết định ngưng nuôi tôm, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc hương thương phẩm ở nhiều tỉnh thành ven biển trong cả nước. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, tháng 6/2022, ông cải tạo 4 ao nuôi tôm với tổng diện tích 6.000m2 chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm. Giống ốc hương được mua từ Ninh Thuận và Nha Trang.
Vừa mới chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao sang nuôi ốc hương thương phẩm, không ngờ sau vụ nuôi đầu tiên thành công, anh nông dân này thu hoạch trên 20 tấn ốc hương. Ốc loại từ 100 - 130.000 đồng/kg, thương lái mua với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg; loại 50 - 70 con/kg giá 420.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, với 4 ao nuôi, ông Hải thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Nắm bắt cơ hội khởi nghiệp lại từ đầu, đầu năm 2023, ông Hải mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi lên hơn 20 ao. Mỗi ao 1.000m2, thả nuôi 500.000 con giống, mật độ thả nuôi 500 con/m2. Chỉ sau 12 tháng nuôi, ông Hải bắt đầu thu hoạch theo hình thức thu tỉa, chọn những con ốc lớn thu hoạch trước. Với hơn 20 ao nuôi ốc hương, ông Hải ước thu hoạch từ 70 - 100 tấn ốc thương phẩm bán sỉ, lẻ cho nhiều nhà hàng, quán ăn, chợ đầu mối trong cả nước. Ngoài ra, nhiều thương lái mua để xuất sang Trung Quốc.
Tiết lộ bí quyết làm giàu của mình ông Hải chia sẻ, mô hình nuôi ốc hương thương phẩm có nhiều ưu điểm như: ít công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần, rủi ro thấp, điện, chi phí thức ăn rất thấp. Trong khi thức ăn công nghiệp lên đến 85.000 đồng/kg, ông Hải mua cá, tôm, ghẹ biển tạp với giá chỉ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Cá, tôm tạp mua về rửa sạch, xay nhuyễn rồi cho ốc ăn. Nhờ tận dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt ốc sạch, dai, giòn, thơm, ngọt, không bị cát, giàu chất dinh dưỡng.
Ông Lê Việt Xô, Phó chủ tịch UBND Tp.Bạc Liêu, cho biết mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của ông Hải bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế. Ốc hương là đặc sản biển, có giá trị kinh tế cao. Địa phương khuyến cáo người dân ven biển nhân rộng mô hình này nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản nước mặn. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận so với mô hình nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Nói về thành công mô hình nông nghiệp này, anh Hải nhấn mạnh, nếu chỉ có một mình anh thành công là chưa thành công, một mình anh nuôi ốc hương có lãi thì chưa có lợi. Chính vì vậy, anh thường sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm để những người nuôi ốc hương cũng sẽ thành công như anh vậy. Anh Hải xem đó mới là niềm vui, vui hơn cả những vụ thu hoạch ốc hương thương phẩm lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Mách nhà nông kỹ thuật nuôi ốc hương thương phẩm trong ao
Điều kiện, chuẩn bị ao nuôi
Có thể thả nuôi ốc hương quanh năm. Tuy nhiên, người nuôi nên tránh thời điểm mưa nhiều trong năm.
Nguồn nước biển nuôi ốc hương cần trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước sinh hoạt và nước ngọt vào mùa mưa. Độ mặn của nước biển ổn định từ 25-35‰, pH từ 7,5-8,5, nhiệt độ từ 26-300C. Chất đáy là cát hoặc cát pha san hô, ít bùn. Độ sâu ao từ 0,8-1,5m nước, có lưới chắn xung quanh mép nước để tránh ốc bò ra.
Ao nuôi cần được tẩy dọn thật kỹ, bờ ao được gia cố chắc chắn, không rò rỉ, có hệ thống cấp và thoát nước dễ dàng. Nước lấy vào cần được lọc kỹ nhằm tránh giáp xác, cá dữ và địch hại vào ao.
Chọn giống
- Chọn con giống đồng đều về kích cỡ, sạch bệnh, màu sắc tươi sáng. Kích cỡ giống thả 6.000-7.000 con/kg. Khi vận chuyển ốc giống phải dùng phương pháp vận chuyển kín có bơm oxy.
- Hãy thả giống vào sáng lúc sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả nuôi ốc giống phải được thuần hoá để thích nghi dần với điều kiện môi trường ao nuôi. Mật độ thả 50-100 con/m2, trước khi thả cần để ốc giống thích nghi dần với nhiệt độ nước ao, tránh thả ngay sẽ gây hiện tượng sốc nhiệt.
Thức ăn của ốc hương
- Về thức ăn của ốc hương từ giai đoạn bò lê sống đáy đã có khả năng ăn mồi động vật như thịt tôm, cá, động vật thân mềm 2 mảnh vỏ. Chúng nhận biết mùi tanh và tìm đến mồi rất nhanh nhờ hoạt động xúc tu và các cơ quản cảm giác.
- Thông thường thức ăn ưa thích của ốc hương là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, các loại cá, các loại giáp xác bao gồm cua, ghẹ, tôm… Thức ăn cho ốc phải tươi, không được dùng loại thức ăn được bảo quản bằng hóa chất. Cần chú ý đối với cá tạp băm nhỏ cho ốc ăn ở giai đoạn đầu, với những loại có vỏ cần đập vỡ vỏ trước khi cho ăn.
+ Lượng thức ăn cho ốc được tính như sau: Tháng thứ 1: 15 – 20% trọng lượng ốc nuôi;
+ Tháng thứ 2: 10 – 15% khối lượng ốc nuôi;
+ Tháng thứ 3: 8 – 10% khối lượng ốc nuôi;
+ Tháng thứ 4 về sau: 5 – 7% khối lượng ốc nuôi.
Lưu ý: Từ tháng thứ 2 trở đi căn cứ vào tình hình thực tế trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Đặc biệt, trong quá trình nuôi ốc hương, việc sử dụng thức ăn tươi sống làm cho môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm. Hàng ngày quản lý chặt chẽ lượng thức ăn hàng ngày, không để bị dư thừa; Thường xuyên kiểm tra vớt bỏ toàn bộ thức ăn thừa, xương, đầu cá, vỏ cua, ghẹ...để tránh ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.
- Khi nuôi ốc hương thường xuyên thay nước, mỗi lần thay 30-70% lượng nước trong ao. Đặc biệt vào những ngày con nước cường nên tổng vệ sinh toàn bộ nền đáy ao kết hợp với thay nước một cách triệt để, nhằm loại bỏ chất bẩn lắng đọng trên nền đáy. Đối với những ao ở vùng trung và cao triều nên chủ động bơm thay nước hàng ngày nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch.
- Một điểm lưu ý là vào các thời điểm không thay được nước, môi trường ao nuôi diễn biến xấu, thực hiện đồng thời các biện pháp sau: Giảm lượng thức ăn; bơm cấp thêm nước mới; tăng cường quạt nước; sử dụng vôi thủy sản, chế phẩm sinh học,… để cải thiện môi trường ao nuôi.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, vôi, các khoáng chất nhằm phân hủy các chất lắng tụ, chất bẩn trên bề mặt ao nuôi và tăng độ kiềm nước ao nuôi, thông tin trên báo Dân tộc & Phát triển.
Thời điểm thu hoạch
Bà con nên chú ý sau thời gian nuôi từ 5-6 tháng có thể tiến hành thu hoạch, kích cỡ thương phẩm từ 90-150 con/kg. Thu hoạch bằng cách tháo cạn nước trong ao sau đó nhặt bắt bằng tay hoặc dùng cào. Ốc có tập tính chui sâu xuống đáy vì vậy cần thu hoạch kỹ, tránh để sót.
Trúc Chi (t/h)