Gần 3 năm qua, chàng thanh niên Lương Anh Thiện (SN 1994), người dân tộc Thái ở khu 3, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã mở hướng làm kinh tế mới, độc đáo là nuôi cua biển trong hộp nhựa theo kiểu "chung cư mini" bằng hệ thống nước tuần hoàn công nghệ Israel. Mô hình kinh tế mới giúp anh Thiện có được nguồn thu nhập ổn định 50 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Thiện cho biết ngoài thời gian làm việc, anh thường xuyên mày mò, tìm hiểu các mô hình trên mạng Internet.
Năm 2021, qua tìm hiểu, nhận thấy việc nuôi cua biển trong hộp nhựa có thể triển khai được ở gia đình nên anh bắt tay thực hiện mô hình này với mong muốn người dân địa phương miền núi Thường Xuân có thể dùng được cua biển tươi ngon.
Để chuẩn bị cho mô hình nuôi cua, hàng ngày, đi làm về anh lại mày mò học cách nuôi, chăm sóc cua trên mạng. Từ những kiến thức học được, anh quyết định đầu tư gần 1.000 hộp nhựa cùng hệ thống máy bơm, lọc nước.
Anh Thiện cho biết: “Việc nuôi cua biển trong hộp nhựa khác với việc nuôi cua trong đầm. Cua nuôi trong hộp nhựa là loại cua đã trưởng thành nhưng lượng thịt ít, được đưa về để vỗ béo và nuôi lột, từ đó cho giá trị kinh tế cao hơn”.
Theo anh Thiện, nuôi cua trong hộp nhựa không tốn về diện tích chuồng trại. Mỗi con cua được nuôi dưỡng trong một hộp nhựa xếp thành nhiều ngăn chồng lên nhau, vừa tiết kiệm diện tích, vừa dễ quản lý, tránh lây nhiễm bệnh.
Với 1.000 hộp nhựa, anh xây dựng chuồng trại chỉ với diện tích vỏn vẹn 150m2. Tuy nhiên, khoảng cách địa lý xa, từ nhà xuống biển Sầm Sơn lấy nước anh phải di chuyển hơn 80km.
“Nuôi cua trong hộp nhựa không cần phải nhiều nước. Hệ thống thực hiện theo nguyên lý tuần hoàn dưỡng khí và tạo oxy. Thức ăn thừa và chất cặn bẩn được ngăn bởi hệ thống lọc và cung cấp trở lại lượng nước biển sạch bảo đảm cho cua sinh trưởng và phát triển ổn định”, anh Thiện chia sẻ.
Được biết, sau khoảng từ 20 đến 40 ngày chăm sóc, cua nuôi trong hộp có thế xuất bán ra thị trường. Theo báo Thanh Hóa, hiện tại cơ sở của anh Thiện nuôi hai loại cua chủ yếu là cua thịt và cua lột… Trước khi xuất bán, anh đều phải kiểm tra kỹ càng chất lượng bằng cách soi đèn vào thân cua để kiểm tra lượng thịt cua.
Theo anh Thiện, lứa đầu tiên anh nuôi thử nghiệm 100 con và đã thành công, lợi nhuận thu được hơn 10 triệu đồng. Đến nay, cơ sở nuôi của anh nuôi trung bình khoảng hơn 1.000 con/vụ, gồm cua thịt và cua lột.
“Cua thịt được nuôi 30-40 ngày có thể xuất bán ra thị trường, cua lột khoảng 20 ngày. Hàng tháng, tôi xuất bán ra thị trường hơn 300kg cua thịt với giá 350.000-450.000 đồng/kg và 30kg cua lột với giá trên 800.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, thu nhập khoảng 50 triệu đồng”, anh Thiện cho biết.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Thiện không chỉ mang lại kinh tế cao, mà anh còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Với những kinh nghiệm tích lũy được, anh Thiện nhận xét, nuôi cua trong hộp không khó. Mỗi con cua sẽ được nuôi trong một hộp nên ít có khả năng lây nhiễm bệnh. Thức ăn cho cua thường là cá tạp, ngao, ốc bươu vàng, cá rô phi băm nhỏ...
Về dự định tương lai, anh Lương Anh Thiện mong muốn trong tương lai, mô hình sẽ được phát triển lên quy mô 3.000 hộp nuôi, tiếp tục đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Ông Lục Đăng Hỏa, Chánh văn phòng UBND huyện Thường Xuân, đánh giá việc nuôi cua biển trong hộp nhựa của anh Thiện là mô hình kinh tế mới lạ, lần đầu áp dụng trên địa bàn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
"Với nhu cầu hiện nay, cơ sở nuôi cua của anh Thiện có thời điểm không đủ hàng bán ra thị trường. Hy vọng thời gian tới, mô hình sẽ ngày một phát triển để phục vụ người dân. Đây cũng là cơ sở để các hộ muốn đầu tư đến học hỏi”, ông Hỏa nói.
Minh Hoa (t/h)