Đang làm KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) cho một công ty, hứng chí, anh Trần Hữu Phong (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) bỏ về quê xây chuồng nuôi dúi sinh sản (chuột mốc), bất ngờ thu lời to.
Theo Dân Việt, hiện trại nuôi dúi sinh sản của anh Phong có khoảng 450 con dúi bố mẹ đang sinh sản, với 2 loại dúi là dúi mốc và má đào.
Anh Phong chia sẻ, anh đến với nghề nuôi dúi sinh sản rất tình cờ sau vài lần đọc báo thấy nói nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao. Thế là vừa làm KCS, anh vừa tranh thủ tìm hiểu kỹ thuật nuôi dúi sinh sản qua báo, đài và sau này là kinh nghiệm từ nông dân nuôi dúi.
Năm 2016, khi đang còn làm việc công sở, anh dành 12 triệu đồng mua 6 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm. Nơi nuôi dúi của anh là một góc nhà đang ở. Chuồng dúi là những miếng gạch lót nhà được cố định bằng keo silicon…
Một thời gian sau, nhận thấy nuôi dúi có hiệu quả kinh tế cao, anh Phong quyết định nghỉ việc công sở với mức thu nhập ổn định, tập trung khởi nghiệp từ con dúi.
"Tôi thấy nuôi dúi sinh sản chả có gì là khó khăn, thậm chí khá nhàn nhã, chỉ có cái phải cẩn thận trong thời gian phối giống cho dúi mà thôi", anh Phong chia sẻ với Dân Việt.
Theo anh Phong, làm chuồng trại rất đơn giản, chỉ cần ghép những viên gạch với nhau tạo thành từng ô vuông, vừa đỡ tốn diện tích vừa đảm bảo độ thoáng mát. Đối với dúi trưởng thành, anh cho chúng ở riêng từng ô, còn dúi con có thể ở tập thể. Chuồng cần được đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp rọi vào và gió lùa. Phía trên chuồng, anh lợp tôn, giăng lưới che để chống nhiệt; nền chuồng được lót xi măng để thuận tiện vệ sinh và tránh dúi đào hang trốn đi.
“Dúi có tập tính ngủ ngày, ăn đêm. Vì vậy, tôi phải hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp, cũng như gió lùa ban đêm vào chuồng để tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của dúi”, anh Phong nói.
Theo anh Phong, dúi mốc cái nuôi 8-10 tháng, còn dúi má đào cái 10-12 tháng thì bước vào thời kỳ sinh sản. Biểu hiện động dục của dúi cái thường không quá rõ ràng. Một trong những biểu hiện là dúi cái sẽ phát ra tín hiệu đặc trưng để tìm con đực.
Khi dúi cái có biểu hiện động dục, người nuôi sẽ cho dúi cái và dúi đực ở một chuồng riêng nhằm phối ghép tự nhiên. "Dúi cái được cho vào ô nuôi dúi đực để theo dõi khoảng 30-60 phút. Nếu dúi đực không cắn xé thì việc ghép cặp thành công. Nếu không thì phải đổi sang con cái khác cho đến khi nào dúi đực chịu mới thôi", anh Phong cho hay.
Khoảng 2 đến 3 ngày sau khi phối giống thành công, phải tách dúi cái và đưa sang ổ đẻ để chăm sóc. Thời gian này người nuôi dúi sinh sản phải đảm bảo không gian yên tĩnh, cung cấp đầy đủ thức ăn và dinh dưỡng cho dúi cái. Đặc biệt, tăng khẩu phần tre, mía, khoai... Mỗi năm dúi đẻ 3 lứa. Mỗi lứa, dúi mốc đẻ 2-4 con, dúi má đào đẻ 3-5 con.
Anh Phong cho hay, dúi con sinh ra thường không có lông, sau 10 ngày thì bắt đầu mọc lông. Dúi biết ăn từ khi chưa mở mắt. Đến khi dúi con được khoảng 20 ngày tuổi, anh cho chúng tập ăn mía, tre...
"Thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, bắp, khoai lang. Các loại thức ăn này rất dễ kiếm ở địa phương", anh Phong bộc bạch.
Thường, dúi con nuôi tiếp 2-3 tháng sau thành dúi giống, còn dúi thương phẩm nuôi 6 tháng mới xuất chuồng. Lúc này, trọng lượng mỗi con dúi đạt từ 1kg trở lên.
Hiện, tại trại nuôi dúi sinh sản của anh Phong, giá dúi giống 3 tháng tuổi là 1,4 triệu đồng/cặp, giá dúi thương phẩm khoảng 700.000 đồng/kg.
Thị trường tiêu thụ dúi của anh Phong chủ yếu tại Tp.HCM, Bình Dương và tại địa phương. Trừ chi phí, mỗi tháng anh Phong thu lời khoảng 20 triệu đồng. Theo anh Phong, hiện anh còn bao tiêu sản phẩm cho các vệ tinh nuôi dúi thịt.
Nuôi dúi sinh sản và nuôi dúi thương phẩm hiện nay đang là một hướng đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Tuy nhiên, để mô hình nuôi con dúi này thành công, người nuôi dúi cần phải nắm rõ kỹ thuật nuôi, cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của loài động vật này.
Về sản phẩm, thịt dúi được xếp vào loại đặc sản nhờ ngon, mát và giàu đạm.
Minh Hoa (t/h)