Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Hùng Nhật (SN 1995, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), chọn cho mình con đường xuất ngoại đến Nhật Bản theo hình thức vừa học vừa làm.
"Năm 2013, tôi tốt nghiệp trung học phổ thông rồi không thi vào đại học mà ở nhà lao động giúp đỡ bố mẹ. Đến năm 2015, tôi quyết định du học ở Nhật Bản. Nói là du học nhưng thực chất sang bên đó vừa học vừa đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và dành dụm gửi về cho ba mẹ trả nợ", anh Nhật chia sẻ với báo Dân Việt.
Năm 2019, sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Nhật đi làm được một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát. Giữa năm 2021, Nhật phải về Việt Nam tránh dịch.
Trong thời gian cách ly ở nhà để phòng chống dịch Covid-19, anh tình cờ đọc được một số bài viết làm giàu từ nuôi dúi ở các tỉnh phía Bắc.
Đến đầu năm 2022, dịch Covid-19 được khống chế, Nhật khăn gói theo các địa chỉ mà anh đã ghi chép rồi tìm đến các cơ sở nuôi dúi từ Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Quảng Ninh và Gia Lai để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.
Nhật thường xin lưu trú ở các cơ sở chăn nuôi dúi từ 3 đến 5 ngày để quan sát, tìm hiểu và ghi chép cẩn thận cách thức làm chuồng trại, thức ăn và chăm sóc, phòng bệnh cho dúi.
Sau hơn 1 năm rưỡi trau dồi kinh nghiệm nuôi dúi, Nhật quay trở về quê hương khởi nghiệp nuôi dúi.
Để có vốn, Nhật đã tới Ngân hàng Chính sách huyện Quảng Ninh để vay 50 triệu từ chương trình cho vay Hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.
Trên mảnh đất của gia đình, anh đầu tư xây dựng chuồng nuôi và mua 40 cặp giống về nuôi. Giống dúi chọn nuôi là dúi mốc, được đưa về từ tỉnh Quảng Ninh.
Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với sự chênh lệch về khí hậu ở các vùng miền dẫn đến dúi bị sốc nhiệt, nhiều con chết do viêm phổi.
"Khi dúi bị bệnh chết, tôi rất hoang mang. Nhưng rồi, tôi có thêm kiến thức phòng chữa bệnh cho dúi nhờ qua giao lưu hội, nhóm... Từ đó, tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu", anh Nhật nhớ lại.
Trao đổi với báo Nông Nghiệp Việt Nam về kỹ thuật nuôi dúi, anh Nhật cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích. Chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động và dúi ưa tối nên cần che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào.
"Để dúi sinh trưởng và phát triển tốt, chuồng nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Nuôi dúi quan trọng nhất là khí hậu, vì loài này dễ sốc nhiệt", anh Nhật chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng theo kinh nghiệm của anh Nhật, tại những vùng có thời tiết nắng nóng, nên có các máy đo nhiệt độ để điều chỉnh hợp lý điều kiện thích nghi là 25-32 độ C.
Tại các chuồng nuôi vào mùa hè, ngoài hệ thống quạt làm mát, anh Nhật còn đặt nhiều chậu nước xung quanh chuồng để giữ ẩm và làm trần chống nóng bằng lá cọ.
Theo anh Nhật, nuôi dúi ít tốn chi phí và công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là tre, thân cây mía, hạt bắp… Tận dụng diện tích đất vườn, Nhật tự trồng các loại cây để làm thức ăn cho dúi.
Mỗi ngày chỉ cho dúi ăn một lần vào chiều tối. Đặc biệt, loài dúi không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên khoảng 3 ngày sẽ dọn chuồng một lần.
Đến nay, gia đình anh Nhật duy trì ổn định gần 60 cặp dúi bố mẹ. Mỗi chuồng nuôi, anh đều đánh số, ghi chép cẩn thận. Nhờ nắm rõ đặc tính của từng con dúi bố mẹ nên quá trình ghép đôi, sinh sản và chăm sóc dúi con đều rất thuận lợi.
"Dúi sinh sản rất nhanh, một năm 1 con dúi mẹ đẻ khoảng 3 - 4 lứa, mỗi lứa khoảng 3 - 5 con. Mỗi con từ khi sinh ra khoảng 3 tháng là có thể đem bán làm con giống, những con dúi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 2kg", anh Nhật cho biết.
Theo anh Nhật, thịt dúi rất ngon và bổ dưỡng nên trở thành đặc sản của nhiều địa phương. Giá thành dúi thương phẩm dao động từ 550.000 - 650.000 đồng/kg, con giống có giá bán từ 2,4 - 3 triệu đồng.
"Từ nuôi dúi, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng", anh Nhật nói thêm.
Phát huy tiềm năng lợi thế nguồn thức ăn cho vật nuôi để khai thác từ tre, nứa trồng hoặc tự nhiên trong rừng, anh Nhật xây dựng quy mô trang trại có thể nuôi hơn 500 con dúi.
Ngoài việc ghép đôi nhân giống dúi mốc, anh Nhật mua thêm giống dúi má đào về nuôi. Đây là hai loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác.
Để tạo nguồn sản phẩm tốt và có thêm nhiều người phát triển nuôi dúi, anh Nhật cũng mong muốn, khuyến khích bà con các thôn, bản ở địa phương tham gia. Anh sẽ hỗ trợ bằng cách hướng dẫn kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi dúi trên địa bàn.
"Khi có nhiều người nuôi, tôi sẽ hướng đến liên kết phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi dúi thương phẩm. Qua đó để cùng tạo dựng thương hiệu cơ sở nuôi và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn", anh Nhật nói trong hy vọng.
Minh Hoa (t/h)