Anh nông dân mỗi năm thu lãi 2 tỷ đồng nhờ nuôi con "khổng lồ, mắn đẻ"

Anh nông dân mỗi năm thu lãi 2 tỷ đồng nhờ nuôi con "khổng lồ, mắn đẻ"

Thứ 6, 04/10/2024 05:30

Sau thời gian nuôi cá sấu không đạt hiệu quả, nhận thấy tiềm năng rất lớn từ cua đinh, anh Đặng Long Hồ đã mạnh dạn chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi loài vật này và gặt hái thành công.

Sau 10 năm kiên trì gắn bó với cua đinh, anh Đặng Long Hồ (xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã xây dựng được trang trại nuôi con cua đinh trong bể kính lớn và hiện đại bậc nhất miền Tây với tổng diện tích trên 3.000m2, sức chứa 8.000-10.000 con cua đinh.

Chia sẻ với báo Cần Thơ về quá trình khởi nghiệp, anh Hồ cho biết, năm 2014, sau thời gian nuôi cá sấu không đạt hiệu quả lại nhận thấy cua đinh dễ nuôi, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, anh quyết định đầu tư nuôi thử nghiệm.

Trong quá trình nuôi, nhận thấy tiềm năng rất lớn từ loại vật nuôi này, anh mạnh dạn chuyển đổi hoàn toàn sang nuôi cua đinh.

Anh nông dân mỗi năm thu lãi 2 tỷ đồng nhờ nuôi con "khổng lồ, mắn đẻ"- Ảnh 1.

Giống cua đinh anh Hồ chọn nuôi là loài cua đinh Thái Lan có giá bán thấp hơn cua đinh Việt Nam nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: báo Cần Thơ

Sau đó, anh nhập thêm con cua đinh giống từ Thái Lan về vừa bán, vừa nhân đàn. Đến nay, trang trại anh luôn duy trì số lượng hơn 5.000 cua đinh bố mẹ, hậu bị.

Mỗi năm cơ sở nuôi con đặc sản này của anh đều nhập cua đinh giống từ Thái Lan về nhân giống và nuôi thương phẩm. Tuy giá trị kinh tế không cao bằng cua đinh Việt Nam, nhưng ưu điểm của cua đinh Thái Lan là tốc độ sinh trưởng nhanh và số lượng dồi dào hơn nguồn con giống trong nước, tỷ lệ nuôi đạt từ 85%.

"Với kinh nghiệm nuôi cá sấu và chuồng trại sẵn có, tôi chuyển đổi để nuôi cua đinh và đạt hiệu quả. Ngoài mua giống trong nước, tôi còn tìm được mối từ Thái Lan để nhập liên tục nguồn con giống về nuôi nhân đàn phát triển quy mô trang trại và bán giống lại cho người dân địa phương", anh Hồ cho biết.

Khi đã thành công nuôi cua đinh trong bể xi măng, anh Hồ lại tiếp tục nghiên cứu để đưa vào nuôi bể kính vỗ béo bán thương phẩm. 

Trại của anh hiện có 50 bể xi măng và 1.000 bể kính. Mỗi bể kính thả nuôi 1 con, mực nước trong bể khoảng 10 cm, được lắp đặt hệ thống thay nước, vệ sinh và hộp đựng thức ăn đồng bộ.

"Cua đinh sinh sản được nuôi trong bể xi măng, còn vỗ béo bán thương phẩm thì nuôi trong bể kính. Trong bể xi măng, nuôi theo dạng quần thể hoặc ghép cặp, mỗi bể có diện tích từ 2-4m, cho 3 con cái, 1 đực vào chung bể. Cua đinh khi nuôi trong bể xi măng đạt khoảng 1kg, tôi sẽ chuyển lên bể kính nuôi mỗi bể 1 con để vỗ béo", anh Hồ chia sẻ với báo Thanh Niên.

Khi nuôi trong bể kính, cua đinh được cho ăn cám công nghiệp. Nuôi khoảng 1 năm đạt trọng lượng 7-8 kg/con thì xuất bán. Ưu điểm nuôi cua đinh trong bể kính là dễ quan sát, chăm sóc, giảm tỷ lệ hao hụt, chất lượng thịt tốt hơn nuôi trong bể xi măng.

Bên cạnh đó, anh Hồ còn nghiên cứu lắp đặt thành công hệ thống thay nước và cho ăn tự động vào trong bể nuôi. Nhờ đó, giúp tiết kiệm thời gian chăm sóc.

Theo anh Hồ, cua đinh nuôi khoảng 3 năm rưỡi có thể sinh sản. Mỗi năm, chúng sinh sản khoảng 3 đợt, mỗi lần từ 8-12 trứng. Để cua đinh sinh sản tốt thì khâu chọn giống quan trọng nhất. Con giống phải không gù, không dị tật, không quá béo… Đặc biệt, khâu nuôi con giống và nuôi thương phẩm có cách thức khác nhau.

Anh nông dân mỗi năm thu lãi 2 tỷ đồng nhờ nuôi con "khổng lồ, mắn đẻ"- Ảnh 3.

Anh Đặng Long Hồ cùng đàn cua đinh bố mẹ chất lượng tại trại. Ảnh: Duy Tân/báo Thanh Niên

Mỗi năm, anh xuất bán từ 30.000-40.000 con cua đinh giống, giá bán cua đinh 350.000 đồng/con, giá cua đinh thịt từ 400.000-460.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm.

Vừa đầu tư cho trại nuôi của mình, anh Hồ còn thực hiện bao tiêu, thu mua cua đinh hỗ trợ người dân địa phương có đầu ra ổn định. Đồng thời, tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho những người trẻ muốn khởi nghiệp từ cua đinh.

Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ Tp.Cần Thơ) cho biết đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại trại nuôi cua đinh của anh Hồ mới thấy quy mô và cách nuôi khác biệt, hiện đại. Nhờ đó, từ cua giống đến cua thương phẩm đều có chất lượng cao.

Ngoài nuôi cua đinh, anh Hồ còn nuôi chồn hương để bán giống. Hiện anh Đặng Long Hồ đang sở hữu đàn chồn hương hơn 100 con chồn bố mẹ, xuất bán chồn hương giống ra thị trường.

Hướng dẫn bà con cách nuôi, chăm sóc cua đinh trong bể xi măng

Cua đinh là động vật thuộc lớp bò sát, họ Ba ba, bộ Rùa, có tên khoa học là Tryonychidae, phân bố ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Thịt rất ngon, ngọt, thơm thường dùng để chiêu đãi khách quý hoặc trong buổi tiệc sang trọng.

Để phân biệt cua đinh, ba ba dựa vào trọng lượng và màu sắc. Thường thì cua đinh có trọng lượng lớn hơn và màu sậm hơn ba ba. Còn về trứng, trứng cua đinh to hơn gấp nhiều lần và vỏ cứng hơn so với ba ba. Cụ thể, trứng ba ba cỡ ngón tay cái, cua đinh lớn bằng miệng ly.

Cua đinh có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, nếu chăm sóc tốt cua đinh rất mau lớn và sinh sản nhiều.

Để nuôi cua đinh, trước hết cần chọn nơi xây bể ở nền đất cứng, ít người qua lại, yên tĩnh, có ánh sáng mặt trời chiếu vào bể và gần nguồn nước sạch không nhiễm phèn, mặn. Xây bể chắc chắn bằng các vật liệu như xi măng, gạch, cát, đá, sắt, có rào lưới kẽm bên trên. Bể hình chữ nhật, kích thước tùy vào điều kiện hộ nuôi, giữ được mực nước từ 0,8 - 1m. Có hệ thống cấp, thoát nước hoàn chỉnh. Bố trí lớp cát dưới đáy bể dày 10 - 30cm, sử dụng cát sạch, loại bỏ đá và vật cứng.

Có thể sử dụng nước máy, nước sông để nuôi, nhưng nước phải trong, sạch, không bị nhiễm phèn, mặn hoặc chứa các hóa chất độc hại khác. Bể nuôi cua đinh phải được che mát 50 - 70%, định kỳ thay nước 30% để tạo môi trường tốt giúp cua đinh phát triển nhanh.

Cần chọn cua đinh giống kích cỡ đồng đều, không bị đóng rong, không dị tật, hoạt động nhanh nhẹn. Trọng lượng từ 50 - 80 g/con.

Lúc đầu có thể thả với mật độ 30 con/m2. Sau đó khi cua đinh tăng trưởng sẽ tiến hành san thưa, đến khi đạt kích cỡ 3 - 5 kg/con tương ứng với mật độ 2 - 4 con/m2 là thích hợp.

Thức ăn của cua đinh là các loại cá tạp, tép, ốc, cua… còn tươi, rửa sạch và cắt khúc vừa miệng để cho cua đinh ăn. Trong 2 năm đầu, cho ăn 5 - 10% trọng lượng thân, 2 lần/ngày. Từ năm thứ 3 trở đi cho ăn 3 - 5% trọng lượng thân, 1 lần/ngày.

Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, khí độc để có biện pháp can thiệp kịp thời. Hàng tháng thu mẫu, cân trọng lượng để tính mức độ tăng trọng và kiểm tra tình hình sức khỏe cua đinh.

Sau 9 - 10 tháng nuôi, cua đinh đã đạt cỡ khoảng 0,9 - 1 kg/con. Năm đầu cua đinh tăng trưởng chậm, nhưng đến năm thứ 2 thì tăng trưởng rất nhanh, có thể tăng 2 - 3 kg/con, thậm chí 4 - 5 kg/con. Do đó, thông thường phải nuôi 2 năm mới thu hoạch.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.