Với mô hình nuôi dúi nhiều nông dân "làm chơi, giàu thật". Điển hình anh nông dân trẻ Từ Dương Sơn ở Đắk Lắk nắm bắt được nhu cầu của thị trường đã kết hợp nuôi con don với dúi đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.
Tại trang trại nuôi dúi rộng lớn của mình Sơn tiết lộ với Dân Việt, con dúi không còn xa lạ với nhiều bà con nông dân, nhưng don là loài mới được thuần hóa và đưa vào chăn nuôi nên với nhiều người vẫn còn khá lạ lẫm. Don còn có tên gọi khác là nhím đuôi dài, là loài gặm nhấm, thuộc họ nhím. So với nhím thì don nhỏ hơn, có đuôi dài và lông thô ngắn, dẹp.
Trước khi bén duyên với con đặc sản này, anh Sơn đam mê khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên. Vốn là dân kĩ thuật nhưng trong một lần tình cờ nghe người thân nói về giá trị kinh tế của con don. Anh Sơn quyết tâm tìm hiểu và mua giống về nuôi thử nghiệm, nhận thấy nuôi don mang lại lợi nhuận cao nên anh dần mở rộng quy mô như bây giờ. Hiện trang trại của anh đang nuôi hơn 450 con don và hơn 1.400 con dúi má đào thái.
Nói thêm về hai loài động vật mang đến nguồn thu tiền tỷ mỗi năm cho gia đình, Từ Dương Sơn cho biết, cả don và dúi đều là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn dễ tìm và đặc biệt hầu như không mắc bệnh, chúng chỉ mắc bệnh về đường tiêu hóa nếu nguồn thức ăn không đảm bảo, nhưng chữa trị cũng đơn giản bằng thuốc đường ruột thông thường. Đặc biệt loài động vật này không kén ăn như những con vật khác, chúng ưa rau, củ, quả như bí ngô, dưa, chuối… thậm chí cơm, cháo, cám.
Để có được thành công như ngày hôm nay anh Sơn không ngần ngại chia sẻ bí quyết làm giàu đến bà con nông dân. Muốn con vật đặc sản này phát triển nhanh ít bệnh tật, mỗi ngày cho don ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn rau, củ, chiều tối cho ăn thêm cháo hoặc cám tổng hợp để don mau lớn. Còn thức ăn của dúi chủ yếu là tre, bắp, mía, cỏ voi và có thể bổ sung thêm cám tổng hợp.
Sau nhiều năm gắn bó với trang trại và chăn nuôi anh Sơn đúc rút được kinh nghiệm quý báu như nuôi don và dúi khó nhất là vấn đề sinh sản.
Để don có thể sinh sản cần nuôi don ở môi trường bán tự nhiên, khu vực nuôi phải là nền đất, thông thoáng không bị ngập úng và tạo hang hốc để don ở, nếu nuôi nhốt don trên chuồng như những loài khác thì don sẽ không sinh sản được. Còn với dúi lúc sinh sản cần chú ý tách riêng con non và con mẹ, để tránh trường hợp dúi mẹ dẫm đạp làm chết con non.
Thịt don và dúi được coi là đặc sản hiện đang được các nhà hàng thu mua với giá cao. Với diện tích chăn nuôi lớn và khoa học anh Sơn cho biết, trên thị trường hiện nay don giống có giá từ 7 triệu đồng/1 cặp. Don thịt có giá từ 1,3 đến 1,8 triệu đồng/kg. Dúi má đào giống có giá dao động từ 3 đến 7 triệu đồng/cặp tùy vào kích thước, trọng lượng dúi. Dúi má đào thịt có giá 800.000 đến 1 triệu đồng/kg.
Thông thường cả don và dúi sau một năm nuôi sẽ bắt đầu sinh sản. Don mỗi năm sinh sản 2 lần, mỗi lần từ 2-3 con. Còn dúi mỗi năm sinh sản 3 lần, mỗi lần 2-6 con. Cả don và dúi sau từ 10 tháng tuổi là có thể bán thịt thương phẩm. Don sau 1 năm nuôi cho trọng lượng khoảng 4-6kg, còn dúi má đào cho trọng lượng 3-5kg.
Miệt mài chăm chỉ và không ngại đầu tư hiện anh Sơn có doanh thu ấn tượng, mỗi năm mô hình chăn nuôi don và dúi của anh cho thu nhập khoảng 5 đến 6 tỷ đồng từ việc bán con giống và thịt thương phẩm ra thị trường.
Giàu lên nhờ việc nuôi hàng nghìn con dúi anh Sơn lại càng mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn. Cũng từ đây anh nhận đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho các hộ dân khi mua con giống của trang trại của mình về nuôi.
"Don và dúi là động vật hoang dã nên khi nuôi cần phải khai báo và được cấp phép của Chi cục kiểm lâm và chính quyền địa phương.
Do vậy nếu có nhu cầu phát triển chăn nuôi, mọi người cần lưu ý khi chọn trang trại uy tín, đảm bảo vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng", anh Sơn nhấn mạnh.
Nuôi con đặc sản này chi phí đầu tư ban đầu không quá cao nhưng nhẹ công chăm sóc, bán thương phẩm được giá đắt đỏ.
Nuôi dúi hiện nay đang là một hướng đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên để mô hình này thành công bà con cần nắm rõ những kỹ thuật cơ bản cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của loài động vật này.
Gợi ý cách nuôi dúi hiệu quả đạt năng suất cao
Con dúi được xếp vào loại đặc sản nhờ thịt ngon, mát và giàu đạm. Dúi rất rễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Sau đây xin giới thiệu một số kỹ thuật nuôi dúi sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Điều kiện để phát triển chăn nuôi dúi:
Anh Ngô Đăng Sỹ - Trung tâm Khuyến nông Yên Bái chia sẻ về cách nuôi dúi đạt năng suất cao. Các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi dúi cần phải đăng ký phát triển chăn nuôi dúi với chi cục Kiểm Lâm địa bàn các huyện, thị, thành phố nơi mình sinh sống. Các con giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng là dúi nuôi được kiểm lâm cấp phép.
- Về chuồng nuôi dúi
Thông thường diện tích của mỗi ô rộng 50cm, dài 0.8 đến 1m, thành ô phải xây chắc chắn và có chiều cao khoảng từ 70cm, mặt thành tô xi măng láng và ốp gạch men. Đối với nền chuồng nuôi có thể dán gạch men hay bê tông đều được (nếu đổ bê tông độ dày 5cm trở lên để chống dúi đào hang), nên chia mỗi ô làm 2 ngăn, ngăn bên trong được dùng để sinh sản, ngăn bên ngoài làm nơi cho dúi chơi và ăn uống, có mái che mưa, che nắng, đảm bảo môi trường sạch sẽ và thông thoáng.
- Cách chọn giống dúi để nuôi sinh sản
Khi chọn con giống nên chọn loại 7 tháng tuổi trở lên, khối lượng đạt từ 700 đến 800g. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn giống giữa 2 dòng khác nhau để tránh đồng huyết. Sau khi chọn giống xong cũng nên nuôi riêng.
+ Cách chọn dúi đực: Hãy chú ý quan sát bộ phận sinh dục của dúi, nếu là dúi đực thì sẽ có 2 tinh hoàn như chó và không có vú. Chọn dúi đực nên ưu tiên con giống khỏe mạnh, không bị tật, bằng hoặc to hơn dúi cái. Trung bình mỗi con dúi đực có thể phối giống được cho 4 đến 5 con dúi cái.
+ Cách chọn dúi cái: Dúi cái có 2 hàng vú ở 2 bên sườn giống của của lợn
- Những loại thức ăn cho dúi
Thực tế dúi là động vật gặm nhấm, chúng ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng phần lớn là rễ, củ (măng) của các loại cây họ tre, nứa, trúc, mía, cỏ voi, củ quả của các loại cây ngũ cốc, sắn, khoai chúng cũng ăn một số loại rau xanh như rau muống, rau cần, cây bụi. Ngoài ra nuôi dúi thương phẩm còn có thể bổ sung thêm các loại thức ăn tinh hỗn hợp, ngô, thức ăn động vật như côn trùng, ốc, giun đất, thức ăn bổ sung chất khoáng.
Tuy nhiên thức ăn cứng vẫn phải bắt buộc có trong khẩu phần ăn của dúi, lượng thức ăn mềm chiếm ít hơn vì theo một số nghiên cứu, nếu cho ăn quá nhiều thức ăn mềm sẽ làm dúi bị tiêu chảy.
Khi cho ăn, bà con nên quan sát trong khoảng 12 tiếng nếu chúng bỏ thừa thì lần sau sẽ giảm bớt thức ăn, còn nếu chúng ăn hết thì lần sau có thể bổ sung thêm cho nhanh lớn.
Một lưu ý nhỏ là nếu quá 12 tiếng mà còn thừa lại thức ăn thì bà con nên bỏ đi vì không đảm bảo, dễ sinh ẩm mốc khiến dúi bị tiêu chảy hoặc bị bệnh...
- Vệ sinh chuồng trại
Thường xuyên định kỳ dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, dọn nước tiểu để tránh bệnh ghẻ lở. Dùng các loại chế phẩm rắc lên nền chuồng hoặc phun xử lý chất thải, không để thức ăn thừa lưu cữu...
Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát, không quá nóng mà cũng không quá lạnh, ẩm ướt.
Trúc Chi (t/h)