Trang trại nuôi con đen sì "hiền như cục đất" của anh Tuy ở Thanh Hóa thu hút sự chú ý của bà con nông dân khi có doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Để có được thành công như ngày hôm nay, nông dân Tuy đã mạnh dạn đầu tư 9ha đất chỉ để nuôi ốc bươu đen. Chia sẻ bí quyết làm nông nghiệp thành công ở địa phương, anh Tuy nói với Trung tâm khuyến nông Quốc gia, năm 2013, gia đình anh nhận 2 ha đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, trồng cây; bước đầu trang trại bước đầu đã cho lợi ích kinh tế.
Ban đầu khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm làm giàu tại quê hương, anh Tuy quyết làm bằng được. Với tâm thế "làm cho ra làm" năm 2014 anh viết đơn và được chính quyền địa phương cho nhận tiếp 7 ha đất để đầu tư mở rộng phát triển trang trại.
Mất một thời gian dài loay hoay tìm định hướng mô hình nông nghiệp, điển hình năm 2020, anh tập trung phát triển đàn trâu, bò và trồng lúa, nuôi cá truyền thống nhưng giá cả thị trường không ổn định, mất cân đối thu - chi nên thu nhập tăng không đáng kể.
Vốn ít ỏi ừa làm vừa nghiên cứu cho đến năm 2021 vợ chồng anh chuyển hẳn sang sản xuất con ốc thịt, ốc giống thương phẩm. Nhờ bước ngoặt đúng đắn mà kinh tế gia đình anh ngày một đi lên.
Để toàn tâm toàn ý vào chăn nuôi, anh Tuy xây luôn ngôi nhà nhỏ mái bằng cho gia đình ở trang trại. Anh Tuy nói: “Khu trang trại tôi nhận thầu có diện tích khá lớn (9 ha) trong đó đất hộ dân chuyển nhượng là 1,5 ha.
Trang trại của tôi là một trong số ít trang trại tổng hợp có quy mô diện tích đất lớn nhất, nhì trong huyện sử dụng không thời hạn, hàng năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách với địa phương theo hợp đồng”.
Tiết lộ thêm về trang trại nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) cho doanh thu tiền tỷ, anh Tuy cho hay, để có được cơ ngơi trang trại quy mô đẹp mắt như hiện nay, anh Tuy đã tốn nhiều công sức tiền của một nắng hai sương vỡ vạc, khai phá cải tạo vùng đất hoang hoá cỏ dại um tùm, sình lầy… sản xuất kém hiệu quả đã bị “ngủ quên” trong nhiều năm qua.
Thuở ban đầu lập nghiệp, anh sử dụng 3,5 ha đất để làm ao chuyên nuôi ốc thịt, ươm ốc giống thương phẩm hàng năm; 5,5 ha làm ao chuyên tích trữ nước sạch để nuôi ốc, đất khoanh vùng trồng lúa để sinh hoạt hàng ngày, ao trồng khoai nước, ao thả bèo, đất trồng mướp, đu đủ, đậu, rau màu các loại… chủ yếu để làm thức ăn cho ốc.
Làm giàu với con vật đen sì hiền như đất này anh Tuy nhấn mạnh, nuôi ốc lồi không khó, thức ăn dễ kiếm, dễ tiêu thụ mà lãi cao nên anh “đam mê” với con ốc. Không giấu diếm với bà con về bí quyết kiếm tiền tỷ, anh Tuy chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc của mình. Ao phải bơm cạn nước, diệt tạp, rải vôi bột… xả nước sạch vào ao duy trì mực nước thường xuyên trong ao 0,8 - 1 mét. Bón phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) tạo màu nước.
Muốn tránh thiệt hại rủi ro, thì nên dùng lưới làm mái che nắng, gió rét và làm nơi trú ẩn cho ốc về mùa hè, mùa đông; xung quanh ao vây lưới ngăn không cho ốc vào bờ để tránh chuột, chim phá hại; không sử dụng thuốc diệt cỏ để vệ sinh ao, hoặc hoá chất để diệt côn trùng xâm nhập mà dùng bẫy kẹp thủ công tự chế để bắt, diệt rất hiệu quả, vì vậy đã không có thiệt hại xảy ra.
Về kỹ thuật ấp trứng ốc nhồi, theo anh Tuy cũng khá đơn giản, chỉ cần để trứng ốc đựng trong các thùng xốp để ấp trong nhiệt độ 28-30 độ C, từ 15-20 ngày (mùa lạnh 30 ngày), duy trì chế độ phun nước sạch ủ ẩm trứng sẽ nở thành ốc con (thiếu hoặc thừa nước trứng sẽ hỏng).
Anh nông dân này chủ yếu tận dụng các loại rau màu như mướp, đu đủ, chuối, bèo, rau, đậu, khoai nước… Các loại rau củ này rửa sạch, thái nhỏ cho ốc ăn ngày 1 lần vào 7-8 giờ sáng. Ngoài ra, các loài phù du trong ao cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc. Từ tận dụng thức ăn tự sản xuất từ trang trại nên ốc thương phẩm của gia đình anh Tuy bán ra thị trường là ốc sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Tuy cũng tạo công ăn việc làm cho mấy người lao động thời vụ người địa phương với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Những năm trở lại đây, tại địa phương anh Tuy sinh sống không chỉ có anh làm giàu nhờ ốc bươu đen mà một số người làm trang trại nuôi ốc khác cũng có thu nhập ấn tượng. Điển hình như hộ anh Phùng Văn Thương ở làng Yên Xá với 1,5 ha đất nuôi ốc thịt thương phẩm, thu nhập từ 100 -120 triệu đồng/năm; ông Tống Văn Quân ở làng Thổ Khối với 3 sào ao nuôi ốc thương phẩm, trừ chi phí cũng lãi 100 – 150 triệu đồng.
Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn anh Tuy đã có thu nhập ổn định. Điển hình năm 2023, trang trại anh tập trung sản xuất ốc thịt thương phẩm đạt mức 10 tấn. Điều đáng nói sau khi trừ chi phí, anh nông dân này cũng nhẹ nhàng “bỏ túi” từ 500-600 triệu đồng.
Kỹ thuật nuôi ốc bươu đen đạt hiệu quả
Nuôi ốc bươu đen ít vốn, thu nhập cao giúp nhiều người có kinh tế ổn định. Thực tế nuôi ốc bươu đen có kỹ thuật nuôi tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc. Ốc có thể nuôi tốt ở trong ao đất, ao lót bạt, nuôi bể…
Để phát triển mô hình nông nghiệp ốc bươu đen đạt hiệu quả cao, trước khi thả nuôi cần nạo vét ao hồ, vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ các địch hại có trong ao như cá chép, cá lóc… rải vôi bột với liều lượng 5-7 kg/100m2 để trung hòa pH, phát quang bờ ao, dọn dẹp sạch cỏ rác, tránh chuột làm tổ quanh ao.
Lưu ý về mực nước trong ao thích hợp từ 0,5-1,5m. Đặc tính của ốc phân bố không đều, thường tập trung ở một số khu vực nhất định, do đó trong ao nên tạo ra địa hình nông sâu khác nhau để đa dạng môi trường sống cho ốc. Nhiệt độ thích hợp để ốc sinh trưởng và phát triển tốt là từ 22-30 độ C.
Cách chọn ốc
- Chọn những con khỏe mạnh, có chất lượng tốt. Phần vỏ ốc không được sứt mẻ, phần đỉnh vỏ ốc có màu tươi sáng.
- Sau khi mua giống về nên để yên 5-10 phút cho ốc ổn định và quen với môi trường mới. Sau đó dùng vật thể lá chuối hoặc nắp xốp làm giá thể thả giống. Mật độ thả trung bình từ 80-100 con/m2, tùy vào điều kiện thực tế có thể tăng mật độ lên 200-300 con/m2.
Thức ăn cho ốc
- Thức ăn của ốc thường là các loại bèo, thực vật thân mềm, rau củ và các loại trái cây, các phụ phế phẩm nông nghiệp… Ngoài ra có thể bổ sung thêm thức ăn tinh như các loại cám cho cá, bột cám gạo, cám bắp.
- Nên cho ốc ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều tối, tới sáng thức ăn vừa hết là tốt nhất. Lượng thức ăn cho ăn trong ngày chiếm từ 5-7% trọng lượng ốc trong ao, nếu trong ao nuôi có nhiều thức ăn từ nguồn tự nhiên thì có thể giảm khẩu phần ăn của ốc.
Thời gian thu hoạch
- Thời gian nuôi thường từ 4-6 tháng khi ốc trong ao đạt trọng lượng 25-30 con/kg là có thể thu hoạch để xuất bán.
- Bạn có thể thu hoạch ốc theo hình thức tỉa dần, bắt những con lớn đạt trọng lượng trước, để lại những con nhỏ nuôi tiếp. Đây là hình thức nuôi gối đàn thích hợp cho ốc phát triển và giảm lượng thức ăn không cần thiết.
Trúc Chi (t/h)