Anh nông dân nuôi con "cần cù", nhẹ nhàng thu hàng trăm triệu mỗi năm

Thứ 5, 12/09/2024 05:30

Với điều kiện thiên nhiên và khí hậu thuận lợi, nghề nuôi con "cần cù" đã trở thành nguồn thu nhập ổn định cả trăm triệu mỗi năm cho nhiều nông dân trên cả nước.

Những năm gần đây, mô hình nuôi ong "du mục" được nhân rộng trên khắp cả nước. Nghề nuôi ong tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, có những gia đình thu nhập từ nghề này đạt tới 250 triệu đồng/năm".

Anh nông dân Giàng Seo Pùa, thôn Bản Dù, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ, vừa đưa đàn ong mật gồm 260 tổ lên xã Bản Phố. Chỉ vài ngày nữa, anh sẽ thu hoạch vụ mật hoa xuyến chi đầu tiên. 

Với 5 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Pùa thường xuyên di chuyển đàn ong của mình từ Bắc vào Nam theo mùa hoa để lấy mật, nhờ đó mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho gia đình.

Anh Giàng Seo Pùa cho biết: "Niềm vui của người nuôi ong như mình là thấy ong mang mật về. Với hơn 200 tổ ong, mỗi năm gia đình thu khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư và đi lại thì còn lại khoảng 150 triệu đồng."

Anh nông dân nuôi con "cần cù", nhẹ nhàng thu hàng trăm triệu mỗi năm- Ảnh 1.

Anh nông dân chăm sóc đàn ong mật tại huyện Bắc Hà

Được xem là thủ lĩnh nuôi ong mật ở thôn Bản Dù, xã Bảo Nhai, ông Giàng Seo Tếnh không chỉ phát triển đàn ong của mình lên 300 tổ mà còn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các hộ dân khác trong thôn muốn tham gia nuôi ong. 

Đến nay, thôn Bản Dù đã có 5 hộ nuôi ong với số lượng từ vài chục đến hàng trăm tổ ong mật. Đồng thời, họ còn liên kết với 7 trại nuôi ong trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ông nông dân Giàng Seo Tếnh, Thôn Bản Dù, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà cho biết: "Từ năm 2013 đến giờ, nhờ nghề nuôi ong mà cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi hoàn toàn, xây được nhà cửa khang trang, sắm sửa đủ các vật dụng cần thiết. 

Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 200 triệu đồng, những năm thuận lợi có thể đạt tới 250 triệu đồng".

Anh nông dân nuôi con "cần cù", nhẹ nhàng thu hàng trăm triệu mỗi năm- Ảnh 2.

Ngôi nhà của gia đình ông nông dân Giàng Seo Tếnh - Thành quả từ nghề nuôi ong lấy mật

Cũng thành công từ nghề nuôi ong, anh nông dân Lê Phi Long, ở xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai có 12 năm làm nghề nuôi ong "du mục". 

Hàng năm, cứ đến tháng 4 (âm lịch), anh quay lại vùng rừng trồng tràm thuộc địa bàn xã Lưu Vĩnh Sơn huyện Thạch Hà để nuôi ong. 

Dù cuộc sống "du mục", nay đây mai đó, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng anh vẫn rất gắn bó yêu nghề, cố gắng bám trụ để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Anh nông dân nuôi con "cần cù", nhẹ nhàng thu hàng trăm triệu mỗi năm- Ảnh 3.

Dù vất vả nhưng anh nông dân Lê Phi Long, ở xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai vẫn bám trụ theo nghề, vì có thu nhập. Ảnh: PV

Anh Lê Phi Long, chia sẻ: "Nghề này vất vả, phải di chuyển nhiều, thường đến những địa bàn xa lạ, phải tập thích nghi dần với cuộc sống nơi ở mới. Sinh hoạt hàng ngày khá bất cập, bù lại cho nguồn thu nhập khá ổn định".

"Nghề này phải cùng ăn, cùng ngủ với đàn ong để canh, kiểm tra và chăm sóc tổ ong. Mùa cây nhiều hoa, đàn ong cho nhiều mật, thời điểm ít hoa, người nuôi phải cho ong ăn thêm bột đậu nành và đường không để ong đói", anh Long nói thêm.

Những lán trại tạm bợ để che mưa che nắng, mọi sinh hoạt thiếu thốn. Họ vẫn chăm chỉ, cần mẫn chăm sóc những đàn ong để mong thu được nhiều mật.

Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi ong "du mục", vượt chặng đường gần 1.000km, ông Vũ Hữu Thuận đưa hơn 200 tổ ong từ Đắk Lắk ra Hà Tĩnh để nuôi. 

Những đàn ong được nuôi trong các thùng gỗ, đặt thẳng hàng ở giữa tán rừng keo huyện Hương Sơn, theo Dân việt.

Ông Vũ Hữu Thuận cho biết: "Di chuyển đàn ong theo những mùa hoa nên chất lượng mật của ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau. Nếu nuôi ong mà không di chuyển theo những mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì ong sẽ đói, chết nhiều, thậm chí có đàn còn bỏ tổ bay đi.

Anh nông dân nuôi con "cần cù", nhẹ nhàng thu hàng trăm triệu mỗi năm- Ảnh 4.

Trước khi tiến hành lấy mật ong, nông dân nuôi ong "du mục" thường dùng ống hun khói, xua đuổi để tránh ong đốt. Ảnh: PV

"Nghề này theo đàn ong di chuyển khắp các tỉnh, rất ít khi ở nhà. Tôi theo nghề này hơn 10 năm, công việc tuy vất vả nhưng cũng cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập. Ra đây từ tháng 4 đến tháng 10, mỗi mùa hoa sẽ thu về khoảng vài chục tấn mật. Mật khi thu hoạch xong công ty sẽ về mua tại nơi. Năm nay thời tiết thuận lợi nên mật đạt chất lượng cao", ông Thuận phấn khởi nói.

Theo những người nuôi ong lâu năm, từ tháng 4 hàng năm, họ bắt đầu đưa ong ra vùng miền Trung, miền Bắc. Thời điểm này nhiều loài hoa nở, ong ăn để làm mật. Đến cuối tháng 10 (dl), khi hết mùa hoa, trời chuyển lạnh, đàn ong lại được họ di chuyển vào Tây Nguyên để nuôi, phòng tránh thiệt hại do mưa bão thường xảy ra ở Hà Tĩnh.

Anh nông dân nuôi con "cần cù", nhẹ nhàng thu hàng trăm triệu mỗi năm- Ảnh 5.

Lực lượng Kiểm lâm tiến hành kiếm tra, nhắc nhở các thợ nuôi nuôi ong "du mục", đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: PV

Dù vất vả nay đây mai đó, sống xa nhà nhưng nghề nuôi ong "du mục" đang là nghề mưu sinh chính của các hộ dân ở các tỉnh như Hà Nam, Thanh Hóa, Gia Lai, Sơn La, Lào Cai… Cấp ủy chính quyền, ngành chức năng vừa tăng cường quản lý vừa tạo điều kiện để họ phát triển nghề một cách thuận lợi.

Bà Đỗ Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: "Từ hiệu quả kinh tế của các hộ gia đình, nhiều hộ dân khác trong xã đã học tập và bắt đầu nuôi ong. Xã cũng đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu mật ong rừng này trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới".

KHÁNH LINH (t/h theo Truyền hình Lào Cai, Dân Việt)



Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.