Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể bạt, bể xi măng phát triển mạnh. ông Trần Tấn Giang, Chi hội trưởng Nuôi lươn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, hầu như các địa phương của tỉnh đều có hộ gia đình nuôi lươn. Những hộ nuôi lớn có số lượng tới trên 50 bể nuôi/hộ, các hộ có số lượng dưới 10 bể nuôi là rất nhiều. Mỗi bể có diện tích trung bình khoảng 5-6m2.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Giang cho biết, để đạt hiệu quả khi nuôi, điều quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh nguồn nước. Nước vào bể nuôi phải được xử lý qua hệ thống lọc công nghiệp. Có như vậy, nuôi lươn không bùn mới có độ hao hụt thấp.
Nuôi lươn không bùn mang hiệu quả kinh tế nên ông Giang cũng đầu tư nhiều vào con vật "trơn tuột" này. Hiện gia đình ông đang sở hữu 50 bể nuôi ngay tại nhà. Do mật độ nuôi đang là 500 con/m2 nên lượng phân lươn thải ra lớn, nước trong bể phải luôn đảm bảo vệ sinh. Ông thay nước 2 lần/ngày cho mỗi bể nuôi.
Chăm chỉ và ham học hỏi, gia đình ông Giang thu hoạch 12 tấn lươn thịt/năm, giá bán tại bể là khoảng 90.000 đồng/kg. Đối với lươn giống (500 con/kg), ông cung ứng tới 600.000 con/năm cho khách hàng trong tỉnh và các địa phương như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai... Giá bán lươn giống từ 3.500-4.000 đồng/con. Tổng cộng, gia đình đang thu khoảng 3 tỷ đồng/năm từ nuôi lươn.
Nhấn mạnh về nuôi lươn ở thời điểm hiện tại, Chi hội trưởng Nuôi lươn của tỉnh đánh giá, các thương lái đang chủ động đi tìm nguồn hàng để mua, chứ người nuôi không thiếu đầu mối tiêu thụ. Tuy nhiên, do chất lượng lươn nuôi ở khu vực miền Tây kém nên thương lái đang tìm cách ép, hạ giá chung lươn thu mua trên thị trường.
Anh Trương Quang Hùng ở huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu gần như dành trọn thời gian trong ngày cho 100 bể nuôi lươn với khoảng 250.000 con của gia đình.
Với mô hình nuôi không bùn, giúp người nuôi quan sát tốt quá trình sinh trưởng của lươn. Lươn ít bệnh hơn và cho năng suất cao hơn phương thức nuôi bùn. Nếu tính về khối lượng, ông bán ra thị trường khoảng 4 tấn lươn thương phẩm/tháng, cung cấp chủ yếu cho thương lái tại tỉnh. Ngoài thương phẩm, anh Hùng còn nhân giống, bán khoảng 40.000 con lươn giống/tháng.
“Nuôi lươn không bùn hiệu quả. Lươn phát triển đồng đều, sạch. Thu nhập từ lươn khoảng 200 triệu đồng/tháng”, anh Hùng chia sẻ.
Muốn làm giàu tại quê hương, anh Bình Minh ở huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu không ngần ngại bỏ ra số vốn "khủng" 4 tỷ để nuôi con vật "trơn tuột". Với diện tích trang trại nuôi lươn diện tích hơn 4.000m2, mục tiêu của hộ gia đình này là cung cấp ra thị trường 12-14 tấn lươn sạch/năm.
Lươn là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm, ngon. Trong 100g thịt lươn có chứa 18,4g chất đạm, 11,7g chất béo toàn phần (trong đó có 0,05g cholesterol), 180 calo. Ngoài ra, thịt lươn có chứa nhiều loại vitamin (vitamin A, B1, B6, B2, PP…) và khoáng chất (sắt, natri, kali, canxi, magie, phốt pho).
Lươn đồng rất phổ biến tại Việt Nam, nhất là ở miền Tây Nam Bộ. Lươn biển hay cá chình là loài cá có thân như rắn nhưng có vi ở lưng, ngực và phần dưới.
Theo Đông y, lươn có tác dụng bồi bổ khí huyết, trừ được phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp, trĩ nội, bệnh huyết trắng của phụ nữ. Phụ nữ có thai không nên dùng lươn. Với đặc tính bổ dưỡng và sinh khí huyết, máu lươn có khả năng tăng cường “dương khí”, giúp máu huyết lưu thông, trị được chứng khô miệng, đau nhức trong tai và tăng cường khả năng tình dục...
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng lươn thường chui rúc trong môi trường bẩn như ao bùn, sình lầy, nước đục..., cộng thêm thói ăn tạp nên hệ tiêu hóa và cả thịt lươn có thể nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng…Theo đó khi chế biến lươn cần chú ý đến những mẹo hay sau đây:
- Ấu trùng ký sinh trong lươn sống rất dai, chịu được nhiệt độ cao, nên khi chế biến món ăn từ lươn bạn cần chú ý nấu chín kỹ, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy.
- Hạn chế tối đa việc nấu các món như lươn xào tái, lươn gỏi... vì sẽ làm khả năng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spinigerum tăng cao.
- Người dân tuyệt đối không được ăn lươn đã chết hoặc ươn vì thịt lươn có hợp chất histidine, khi lươn bị chết hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn và có thể chuyển hóa thành histamine. Bình thường cơ thể có thể chịu đựng được hàm lượng chất độc này với lượng nhỏ, nhưng nếu hàm lượng cao hoặc cơ thể mới ốm dậy hay trẻ em có sức đề kháng yếu thì có nguy cơ ngộ độc rất lớn.
Trúc Chi (t/h)