Anh Vũ Hồng Thái (SN 1992, xã Hiệp Hoà, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là một trong những người nuôi ốc nhồi thành công ở thị xã Quảng Yên. Anh trở thành tấm gương sáng của nhiều bạn trẻ Quảng Yên từ đôi bàn tay trắng đã xây dựng một cơ ngơi hoành tráng nhờ nuôi ốc.
Chia sẻ với báo Tiền Phong, anh Thái cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh anh xin vào làm công nhân công ty gốm ở thị xã Đông Triều. Làm công nhân được 1 năm, thấy công việc gò bó thời gian và thu nhập thấp, năm 2013 anh xin nghỉ về nhà làm kinh tế với gia đình.
Tận dụng diện tích ao, hồ rộng, anh Thái khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch thương phẩm.
Cơ duyên đến với nghề nuôi ốc nhồi với anh cũng rất tình cờ. Trong một lần nói chuyện với thương lái mua ếch giới thiệu thông tin, anh cảm thấy thích thú, lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc nhồi, thị trường, con giống… rồi quyết định chuyển từ nuôi ếch sang nuôi ốc nhồi.
Lúc đầu chuyển sang nuôi ốc, cả bố, mẹ đều can ngăn, vì mô hình còn khá mới mẻ, chưa ai nuôi, đầu ra thị trường chưa có. Nhưng với quyết tâm làm giàu, đầu năm 2014, từ số tiền bán ếch tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng, Thái lặn lội lên Thái Nguyên tìm mua 2 vạn con ốc nhồi giống về nuôi thử.
Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn vì kinh nghiệm chưa có, nhiều ốc bị chết, trứng không nở vì không có kỹ thuật ấp. Thậm chí nuôi mãi ốc không lớn vì không sử dụng đúng loại thức ăn. Không nản chí, anh Thái vùi đầu vào nghiên cứu tài liệu, sách báo và cả mạng xã hội. Trời không phụ lòng người, sau một thời gian ốc của anh Thái bắt đầu sinh trưởng và đem lại lợi nhuận.
Năm 2023, gia đình anh Thái có diện tích nuôi ốc trên 1ha hồ nước ngọt.
Chia sẻ với VietNamNet về kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, anh Thái cho biết, ốc nhồi là loài dễ nuôi, sinh trưởng tốt và ít bệnh. Trước tiên, cần cải tạo hồ, nuôi các loại rong, bèo và thuỷ sinh kín mặt nước. Nhờ đó, hồ vừa có lớp bèo che, vừa để làm thức ăn cho ốc.
Khi đã đủ điều kiện, ốc con được thả vào hồ rồi để chúng tự phát triển. Có thể nuôi ốc mật độ khoảng hơn 400 con/m2 nếu kiểm soát được nguồn nước. Khi ốc ăn hết bèo, rong có thể cho ăn thêm rau hoặc xơ mít.
"Nhiều người hay nhầm giữa ốc nhồi và ốc vàng ngoài đồng ruộng vì nhìn hơi giống nhau, tuy nhiên ốc nhồi đẻ trứng màu trắng còn ốc vàng đẻ trứng màu đỏ. Kể cả khi ốc nhỏ bằng đầu đũa tôi cũng phân biệt được hai loài trên", anh Thái chia sẻ kinh nghiệm.
Từ khi thả nuôi, ốc phát triển tầm 4 tháng sẽ cho thu hoạch và nuôi lứa mới. Tuy nhiên, mùa đông ốc dễ chết nên một năm anh Thái chỉ nuôi được 2 vụ.
Đồng thời, anh Thái còn tự phát triển con giống bằng cách thu gom trứng ốc để nuôi gối vụ sau và bán ốc giống cho các hộ dân vùng lân cận muốn phát triển mô hình.
Hiện mô hình nuôi ốc nhồi của anh Thái có quy mô lớn tại thị xã Quảng Yên. Ốc nhồi thương phẩm của anh Thái được thương lái vào tận hồ mua với giá bình quân 85 nghìn đồng/kg. Ngoài ra các quán nhậu, nhà hàng trên địa bàn thị xã Quảng Yên cũng là những nơi đặt hàng đều đặn mỗi khi tới vụ thu hoạch ốc.
Anh Thái chia sẻ thêm, mỗi ngày cơ sở nuôi ốc bán khoảng 50 cân ốc đạt tiêu chuẩn. Trừ chi phí nhân công và thức ăn, mỗi năm Thái thu về hơn 500 triệu đồng. Anh đang nghiên cứu về phương pháp nuôi ốc trong nhà kính. Anh Thái sẽ đầu tư 100-150 triệu đồng làm khoảng 700m2 nhà kính để nuôi ốc trong nhà. Nếu mô hình nhà kính hoạt động tốt sẽ giúp anh nuôi quanh năm.
Đại diện UBND xã Hiệp Hoà cho biết, Thái là điển hình cho gương người trẻ làm giàu tại địa phương khi có thể giải quyết nhu cầu mua ốc nhồi ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đồng thời, hỗ trợ bà con muốn xây dựng mô hình để phát triển kinh tế địa phương.
Minh Hoa (t/h)