Anh Quan Phước Hưng (ngụ xã Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) được biết đến là một trong những nông dân có thu nhập cao ở địa phương. Anh có nhà ở chợ, xưởng may gia đình cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong ấp.
Theo lời anh nông dân, cơ ngơi này chỉ mới có mấy năm nay, kể từ khi anh đầu tư nuôi chồn mới dần có của ăn của để.
"Nuôi bọn này dễ lắm, sáng cho ăn quả chuối, chiều cho ăn tô cháo rồi dội chuồng là được, cả ngày bỏ đó đi đâu thì đi", anh Hưng chia sẻ với báo Dân Trí.
Anh Hưng kể, trước đây vợ chồng anh vẫn phải đi thuê trọ, nhiều năm làm công nhân ở Tp.HCM nhưng không dư được bao nhiêu. Về quê, anh Hưng xoay đủ mọi nghề, từ cơ khí, nuôi gà, nuôi heo nhưng vẫn không khá lên được.
"Thấy vợ chồng tôi vất vả, có người bạn mới mách nước rồi cho vay vốn nuôi chồn hương. Từ vài cặp đầu tiên, tôi nhân giống dần, cứ mỗi năm tích được ít tiền lại mở rộng trại nuôi”, anh nhớ lại.
Khu chuồng trại của anh Hưng được cải tạo từ chuồng heo, kê dàn, quây lưới mắt cáo thông thoáng. Mỗi chuồng chồn rộng khoảng 0,5m2, cao 0,7m. Các chuồng được xếp thành dãy 2 tầng.
Đến nay, gần 10 năm, anh đã sở hữu đàn chồn hương lên đến khoảng 150 con bố mẹ. Mỗi năm, anh đều thu về đến 500 – 600 triệu đồng từ tiền bán chồn thương phẩm và chồn giống.
Anh kể, thời gian đầu khi mới nuôi chưa có kinh nghiệm nhiều nên anh gặp không ít khó khăn. “Thời gian đó, chồn hương rất chậm sinh sản, đã thế nhiều con còn mắc bệnh tiêu chảy khiến tôi rất lo lắng. Sau này mới biết, chồn hương nuôi không khó, người chăm sóc chỉ cần chú ý một số điểm như: Chuồng trại cần thoáng mát, sạch và ấm, thời tiết thay đổi thì cần phải chú ý về nhiệt độ chuồng trại. Việc vệ sinh chuồng trại, máng ăn cần làm hàng ngày và lựa chọn thức ăn sạch cho chồn”, anh Hưng chia sẻ với tạp chí Nông Thôn Việt.
Vào mỗi buổi sáng, anh đều vệ sinh máng ăn và làm sạch chuồng trại cẩn thận. Sau đó, anh sẽ cho con vật này ăn chuối. Đến chiều, đó là bữa chính của chồn, anh sẽ cho ăn cháo cá hoặc thức ăn viên. Anh sẽ dành thêm thời gian để quan sát, kiểm tra và phối giống cho chồn.
Bên cạnh đó, anh cho rằng muốn nuôi chồn hương thành công và đạt hiệu quả cao thì việc tiên quyết đó chính là phải tìm hiểu kỹ về tập tính của chồn hương và chọn đầu vào là những trại chăn nuôi có uy tín, có giấy phép đàng hoàng.
“Quan sát xem trại đó có chồn con sinh sản ra không? Hiện trạng chồn có khỏe mạnh không? Không nên mua chồn qua mạng xã hội hoặc điện thoại và được chuyển giao bằng cách vận chuyển tới tận nhà vì sẽ gặp trường hợp mua phải chồn kém chất lượng”, anh đưa ra lời khuyên.
Theo anh, chồn hương hiện tại đầu ra rất ổn. Với hàng thương phẩm, thương lái đến tận nhà thu mua với mức giá dao động 1,45 – 1,8 triệu đồng/kg, còn chồn giống sẽ bán dao động từ 5,5 – 15 triệu đồng/con, tùy thuộc vào giới tính của chồn.
“Do cung cấp cho thị trường con giống không đủ nên số lượng chồn con sinh sản ra mỗi năm sẽ được xuất bán hết. Tôi chỉ để lại một số chồn để tiếp tục mở rộng trại nuôi và để sinh sản cho năm sau”, anh cho hay.
Anh Hưng dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi để có thể cung cấp cho thị trường về con giống và chồn thương phẩm. Vì hiện tại, trại nuôi nhà anh mới chỉ cung cấp được cho thị trường phía Nam, chưa có để cung cấp ra thị trường phía Bắc. Vì vậy, anh mong muốn hướng đến thị trường miền Bắc trong tương lai gần.
Minh Hoa (t/h)