Chia sẻ với báo Tiền Phong, anh Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1984, ngụ thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), chủ trang trại nuôi chồn hương Đức Thắng, cho biết trang trại của gia đình anh rộng khoảng 1ha và hiện đang được biết đến là trang trại nuôi chồn hương lớn nhất tỉnh này.
Trên diện tích đó, anh Đức đã đầu tư xây dựng hai khu chuồng hơn 500m2, nuôi khoảng 700 con chồn hương, chủ yếu chồn sinh sản để bán giống ra thị trường.
Chủ trang trại cho biết, năm 2019, anh cùng một số người bạn vào miền Nam tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại nuôi chồn hương. Trở về quê, sau khi được cơ quan chức năng cấp phép, anh đã mua 50 con giống về nuôi.
Thời gian đầu gặp khó khăn nhưng nhờ áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên đàn chồn hương ngày càng sinh sôi, phát triển. “Không có gì là dễ dàng cả đâu, thời gian đầu trang trại cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên đàn chồn hương ngày càng sinh sôi, phát triển” , anh Đức chia sẻ với báo Người Lao Động.
Cũng theo anh Đức, trang trại của anh được đầu tư xây dựng hệ thống chuồng hiện đại, khép kín, với kinh phí hàng tỷ đồng. Chuồng được thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng khoảng 1m2, bố trí trên giá đỡ cách nền 30-50cm để thông thoáng, tránh ẩm thấp và thuận tiện trong việc vệ sinh chuồng trại. Trong chuồng lắp đặt camera, bóng sưởi vào mùa đông, quạt trần vào mùa hè.
Chuồng được phân chia thành các khu riêng biệt: Khu nuôi cá thể, khu nuôi các cặp chồn vợ chồng, khu nuôi chồn sơ sinh… Tùy giai đoạn phát triển, sẽ nhốt chồn trong lồng theo tỷ lệ 1-2 hoặc nhiều con.
“Có thể nói, chồn hương là loài động vật rất ít bị bệnh nhưng nếu đã bị bệnh thì sẽ rất khó khăn trong việc chữa trị vì chưa có thuốc đặc trị. Do đó, khi nuôi chồn hương cần có hệ thống chuồng trại đảm bảo thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ. Ngoài ra, người chăm sóc chồn phải am hiểu đặc tính của loài vật này, nắm bắt được cá tính của từng con chồn để có cách chăm sóc phù hợp”, anh Đức nói.
Cũng theo anh Đức, thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín và cá sông, tôm, cua đồng, đầu gà. Mỗi ngày cho ăn 1 lần vào các buổi chiều. Theo tính toán, mỗi ngày, chi phí thức ăn cho chồn hương chỉ tốn khoảng 2.000-3.000 đồng/con, thậm chí nhiều hộ nuôi có thể khép kín, tự cung, tự cấp để tiết giảm tối đa chi phí.
Anh Đức cho biết thêm chồn hương có tập tính hoang dã, ban ngày chồn thường ngủ, chỉ thức dậy vào buổi chiều và ban đêm để kiếm ăn. Bên cạnh đó, để tránh các bệnh liên quan đến đường ruột cho chồn hương thì nước uống cho chồn phải sạch và qua xử lý kỹ.
Trung bình mỗi năm, 1 con chồn mẹ thuần dưỡng có thể sinh sản sau 8-10 tháng. Chồn mang bầu khoảng 2 tháng sẽ đẻ, mỗi lứa từ 2-5 con. Chồn giống nuôi 2 tháng là có thể bán với giá 6-8 triệu đồng/cặp, từ 3-4 tháng giá 8-15 triệu đồng/cặp, chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/kg, tùy thời điểm.
Anh Đức cho hay trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 1.000 cá thể chồn giống, cho thu nhập hàng tỉ đồng. Hiện trại chồn này còn liên kết với một số trại chồn khác và chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi. Bên cạnh đó anh cũng đang tập trung nhân giống, mở rộng quy mô chuồng trại lên 1.500 con để có lượng chồn ổn định, đảm bảo đầu ra cho người muốn phát triển mô hình. Đồng thời, anh sẽ đứng ra cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật cho người có mong muốn đầu tư nuôi loài động vật này.
“Biết trại chồn của anh Đức có số lượng lớn giống nên tôi ra tham quan và học hỏi kinh nghiệm, đầu tư nuôi thử”, anh Hoàng (trú huyện Kỳ Anh) chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, cho biết trang trại của anh Đức là một điển hình về phát triển kinh tế của địa phương. “Có thể khẳng định, anh Đức là người dám nghĩ, dám làm và có tính đột phá trong đầu tư. Để có được cơ ngơi này, anh Đức ngoài bỏ ra một số vốn khá lớn, còn phải tìm hiểu các kỹ thuật để đạt được kết quả như mong muốn. Đây là một mô hình kinh tế rất đáng để học hỏi. Tuy nhiên, bên cạnh đó các cấp, các ngành cũng cần phải có sự hỗ trợ cho người dân về việc định hướng phát triển bền vững và đầu ra ổn định, để người dân an tâm làm ăn phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp”, ông Diệu nói.
Minh Hoa (t/h)