Nắm bắt được xu hướng thị trường, anh Nguyễn Văn Hữu ở Lục Ngạn, Bắc Giang không chỉ trồng cây thu trái mà còn làm nông nghiệp để giải trí. Nhờ đó, du khách rủ nhau về thăm vườn trải nghiệm giúp người nông dân này thu tiền tỷ/năm.
Từ trước đến nay, anh Hữu chưa bao giờ nghĩ sẽ khởi nghiệp có một ngày trang trại của mình sẽ thành một điểm du lịch. Đáng chú ý trong những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vườn cam, vườn bưởi của anh Nguyễn Văn Hữu quả chín vàng rực, sai trĩu cành. Hàng trăm du khách nườm nượp vào tham quan, check-in.
“Khách thập phương đến chơi, khen quê tôi nhiều cảnh đẹp, trái cây ngon, bà con thân thiện, hiền hòa nên tôi vui lắm”, anh Hữu chia sẻ với Vietnamnet.
Mặc dù mới chuyển sang làm du lịch nông nghiệp song doanh thu rất cao bởi vườn nhà anh Hữu trung bình mỗi ngày đón 200 lượt khách, ngày cuối tuần có hôm lên tới gần 1.000 người. Theo đó, khách du lịch đến, có thể trải nghiệm những gì chân thực nhất của địa phương, được ăn những món ăn ngon, cùng nông dân ra vườn thu hoạch bưởi, cam. Thương hiệu trái cây cũng được lan tỏa rộng rãi.
“Năm nay, vườn trái cây nhà tôi cho thu hoạch khoảng 300 tấn trái, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình còn lãi khoảng 3 tỷ đồng”, anh Hữu tiết lộ.
Với mong muốn làm giàu tại địa phương, anh nông dân này “bắt tay” với doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán nguyên cả cây.
Thời gian gần đây ở nước ta, du lịch nông nghiệp được ví như "mỏ vàng", bởi có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông thôn. Nhận thấy lợi thế từ việc kết hợp phát triển trang trại nông nghiệp với du lịch, nhiều địa phương đã có ý tưởng tạo ra các mô hình hấp dẫn như: du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa... Các mô hình này đã tạo ra các điểm đến, sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm.
Gợi ý bà con cách trồng cây bưởi năng suất cao
Bưởi là một trong những loài cây ăn quả mang lại dinh dưỡng cao và mùi vị thơm ngon. Vỏ bưởi được dùng để chiết tinh dầu bưởi có nhiều công dụng trong làm đẹp và sức khỏe con người. Để trồng bưởi "đặc sản" cần có những bước đi đúng kỹ thuật.
- Cách chọn giống: Là bước quan trọng trong kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi được tạo bằng cách chiết cành hoặc ghép mắt, chọn từ cây mẹ phát triển tốt, đã có những vụ quả năng suất cao và không bị nhiễm bệnh.
- Lưu ý về thời vụ: Có 2 thời vụ chính đối với cây bưởi là vụ xuân (tháng 1 - 3) và vụ đông (tháng 8 - 10). Tuy nhiên, nên trồng vụ xuân thời tiết thuận lợi để có năng suất tốt nhất.
- Làm đất trước khi trồng: Trước thời gian trồng bưởi khoảng 2 tháng cần làm đất kỹ, làm cỏ sạch, xử lý đất bằng vôi bột và vị trí trồng phải là nơi thích hợp, có nguồn nước tưới và hệ thống thoát hơi nước tốt.
- Đào hố vừa phải: Nếu trồng ở vùng đồi, núi, hố đào sâu khoảng 0,8m, vùng đồng bằng thì sâu khoảng 0,6m. Đất mặt phía trên cho qua 1 bên và đất dưới hố sâu cho qua bên còn lại.
- Khoảng cách và cách trồng bưởi: Thông tin trên báo Hòa Bình tùy điều kiện địa hình để xác định mật độ phù hợp. Thông thường, khoảng cách trồng lý tưởng là 5 - 6m. Cách trồng bưởi tương tự như cam, quýt và các loại cây ăn quả khác. Đào một lỗ rộng vừa đủ ở tâm hố và xé bì, đặt vào hố nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bầu cây. Dùng cọc cố định cây bưởi, để thân thẳng, trồng xong tưới nước vừa đủ cho cây.
- Cách chăm sóc bưởi có năng suất cao: Bón lót phân chuồng cùng với vôi bột, phân lân, urê, kali trước khi trồng khoảng 1 tháng. Thời kỳ bón: bón thúc lần 1 vào tháng 1 - 2, lần 2 vào tháng 4, lần 3 vào tháng 6. Bón lót bằng cách đào rãnh xung quanh gốc, trộn phân thật đều rồi rải phân xung quanh rãnh, lấp đất lên kín đáo. Làm cỏ sạch vào các thời gian bón phân và tỉa tán cho sạch sẽ. Cây nhỏ rễ chưa ăn sâu được nên cần tưới cho cây luôn đủ độ ẩm cần thiết. Vào mùa mưa chú ý thoát nước cho cây.
- Phòng tránh sâu hại và côn trùng gây hại: Bất kỳ loại cây nào cũng có thể bị sâu hại và côn trùng gây hại nên cần phòng tránh bằng cách sử dụng các loại thuốc phòng ngừa phù hợp.
Trúc Chi (t/h)