Kỹ sư công nghệ rời phố về quê
Đến xã Bình Đào (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) hỏi, ai cũng biết đến anh Cao Hữu Việt (SN 1990), chàng trai trẻ thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) trong ao lót bạt.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Việt cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình thuần nông nên từ nhỏ đã có "máu" chăn nuôi.
Năm 2014, anh tốt nghiệp Trường ĐH Đông Á với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin và được một công ty IT ở Đà Nẵng nhận vào làm với mức lương khá cao.
Thế nhưng, cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, anh bị mất việc khiến cuộc sống của gia đình rơi vào khó khăn.
Lúc này, anh Việt chợt nhớ một lần tham quan Hội An, anh được ăn món ốc bươu đen rất ngon, mọi người trong đoàn ai cũng thích. Nhưng hỏi ra mới biết loài đặc sản đồng quê này rất khó mua vì ở miền Trung ít người nuôi.
"Ốc bươu đen ngoài tự nhiên không còn nhiều, trái lại nhu cầu thị trường khá lớn, từ quán nhậu bình dân đến nhà hàng đều là khách hàng tiềm năng. Biết đây là cơ hội vàng nên tôi đã chớp lấy", anh Việt nhớ lại.
Thế nhưng, từ kỹ sư IT giờ lại về quê làm nông, anh Việt vấp phải sự phản đối của gia đình. "Khi tôi mới bắt đầu nuôi ốc bươu đen thì nhiều người cười chê và nói tôi có vấn đề. Bởi trong làng trước nay không có ai học làm kỹ sư với mức lương 'ngon lành', lại bỏ việc về quê nuôi ốc", anh Việt kể.
Nhưng với niềm đam mê chăn nuôi đã ấp ủ từ lâu, anh Việt vẫn kiên trì theo đuổi dự định khởi nghiệp của mình.
Theo Dân Việt, khi mới khởi nghiệp, anh gặp khó khăn vì nguồn vốn hạn hẹp, lại thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, nên ốc chết nổi đầy mặt nước, vụ đầu coi như mất trắng.
Không nản lòng, anh Việt lại tích cực tìm tòi sách báo để học hỏi kỹ thuật nuôi, tích lũy kinh nghiệm và biết được mình sai ở đâu, tìm ra phương pháp nuôi hiệu quả nhất.
Anh chọn cách nuôi trong bể lót bạt để tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của ốc nuôi. Quy mô bể bạt thường nhỏ nên dễ kiểm soát chất lượng môi trường nước, lượng thức ăn. Cùng với đó, các loại vi khuẩn có hại từ đất cũng sẽ không tác động đến sự sinh trưởng của ốc.
Trời không phụ lòng người, trong lần nuôi tiếp theo ốc bươu đen dần sinh trưởng và phát triển tốt.
Bỏ túi gần nửa tỷ đồng/năm nhờ mô hình nuôi ốc bươu đen
Hơn 4 năm về quê khởi nghiệp, đến nay, anh Việt đang sở hữu trại ốc sinh sản với 22 ao bạt cùng khoảng gần 6.000m2 hồ nuôi ốc thương phẩm.
Anh Việt tiết lộ, nuôi ốc bươu đen vốn ít nhưng lời nhiều, bởi thức ăn của loài này rất đa dạng, rẻ và dễ tìm trong tự nhiên như mướp, xơ mít, lá môn, bèo, rong, rau củ quả hư,... Mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn một lần với lượng vừa đủ, không để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường sống. Đặc biệt, chúng là loài "siêu đẻ" nên chỉ cần đầu tư con giống lần đầu.
"Ốc bươu đen đẻ quanh năm và giá trứng ốc cũng khá cao nên thường được nông dân ví là "vàng trắng". Trung bình, mỗi lần ốc mẹ có thể đẻ 70-150 trứng. Để ốc đẻ trứng thuận lợi, tôi tạo những khoảnh đất nhỏ quanh ao để chúng leo lên và đi thu hoạch trứng vào sáng sớm, vì khi trời nắng trứng sẽ khô", anh Việt phấn khởi nói.
Trứng ốc sau khi đẻ được anh Việt gom vào thùng xốp để ấp. Khoảng 15 ngày, trứng chuyển từ màu trắng sang đen, ốc sẽ nở. Tiếp đó, ốc con được thả xuống bể ươm khoảng 15 ngày, khi to bằng hạt đậu là có thể xuất bán ốc giống hoặc tiếp tục nuôi thêm 2-3 tháng nữa để bán ốc thịt.
Anh Việt cho biết, ốc bươu đen ưa sạch sẽ nên chỉ sống được trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm. Trước khi thả ốc vào ao nuôi nên rắc vôi bột để cải tạo nguồn nước, trung hòa lượng pH cũng như diệt các vi khuẩn còn sót lại trong ao.
Ngoài ra, cần duy trì nhiệt độ nước trong khoảng từ 22-32 độ C để đảm bảo ốc sinh trưởng khỏe mạnh. Đồng thời ốc bươu đen không chịu được nhiệt quá nóng hoặc quá lạnh, nên cần có biện pháp phù hợp để chống nóng vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông như: thả nhiều bèo, che chắn bằng lưới đen.
Ốc bươu đen có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, thường mắc các bệnh như: sưng vòi, bệnh đường ruột, bệnh mòn đít. Vì vậy, anh Việt thường xuyên theo dõi, quan sát để kịp thời phát hiện sớm bệnh, nếu có thì chỉ cần vệ sinh diệt khuẩn, xử lý nguồn nước để hạn chế lây lan.
Anh Việt cho biết hiện thị trường tiêu thụ ốc của anh ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị,...
Tùy thời điểm ốc có giá khác nhau nhưng dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg ốc thịt, 2-3 triệu đồng/kg ốc giống và 700.000-1,3 triệu đồng/kg trứng ốc.
Với hình thức nuôi gối vụ nên quanh năm anh Việt đều có ốc giống và ốc thương phẩm bán cho bạn hàng và khách có nhu cầu.
Vào mùa cao điểm, một ngày anh Việt có thể thu hơn 3kg trứng, bán được khoảng 2,5-3 triệu đồng. Còn ốc thương phẩm mỗi năm anh xuất hơn 3 tấn. Trung bình mỗi tháng anh Việt có thể lãi ròng khoảng 40 triệu đồng, trừ hết chi phí, anh bỏ túi gần nửa tỷ đồng/năm.
Theo anh Việt, nghề nuôi ốc không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp anh có nhiều thời gian ở bên gia đình, chăm sóc vợ con.
Chia sẻ về dự định tương lai, anh Việt cho biết, sắp tới sẽ mở rộng quy mô nuôi và anh đang ấp ủ dự định chế biến ốc bươu đen đóng hộp đưa vào siêu thị bán.
Minh Hoa (t/h)