Từ tay trắng đến khởi nghiệp bỏ túi 5 tỷ đồng
Là một người đam mê khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp bền vững anh Nguyễn Thanh Long (30 tuổi) có thu nhập lên tới 4 - 5 tỷ đồng/năm nhờ làm trang trại nấm bào ngư, và được nhiều người khen ngợi.
Trước khi "bén duyên" trồng nấm anh Long học Trường Đại học Cần Thơ, sau khi ra trường anh Long về quê làm việc cho một công ty thuốc bảo vệ thực vật có chi nhánh ở Thái Bình.
Chỉ một thời gian ngắn sau, anh nghỉ việc chuyển sang trồng trọt, bán khoai tây giống và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm khởi nghiệp, anh trắng tay vì thua lỗ nặng.
Quyết không từ bỏ làm ăn, năm 2018, anh Long quyết định vào Vĩnh Long. Ban đầu khởi nghiệp ở vùng đất mới với số vốn tích lũy được, cuối năm 2022 anh đầu tư làm sân bóng mini.
Đặc biệt đúng khoảng thời gian này, tình cờ anh Long biết mô hình trồng nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao, anh đến trang trại ở Cần Thơ học hỏi kinh nghiệm, sau đó trồng nấm trên diện tích 500 m2. Tuy nhiên, trong quá trình trồng, do nguồn phôi kém chất lượng nên hiệu quả thấp, không có lời.
Với quyết tâm làm giàu bằng được, anh Long quyết khăn gói trở về Thái Bình, tìm đến các trang trại có uy tín xin học hỏi kỹ thuật, quy trình làm phôi…
Sau đó, anh trở vào, cơ cấu lại trại nấm của mình, đầu tư máy móc, thiết bị, quyết tâm thực hiện quy trình khép kín, vừa sản xuất phôi, trồng và bán sản phẩm.
Tiết lộ bí quyết trồng nấm anh Long cho hay, nấm bào ngư trồng hơn 2 tháng là có thể thu hoạch. Quy trình qua nhiều bước, từ nhập mùn cưa về trộn với vôi trong 15 ngày, sau đó trộn với rơm đã được ủ, đóng bịch, đưa vào lò hấp được khử trùng.
"Trại trồng nấm phải đảm bảo các khu cấy mô đạt chuẩn, kín gió và có thiết bị diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng thì nấm mới phát triển tốt và không nhiễm bệnh", anh Long chia sẻ với báo Thanh Niên.
Khi bắt tay vào làm nông nghiệp, anh Long cho biết anh đang liên kết với thầy cô ở Trường Đại học Cần Thơ để chuyển giao quy trình sản xuất các sản phẩm: ruốc nấm, nấm muối dưa, khô bò chay... từ nấm bào ngư.
Sắp tới, anh mở rộng diện tích trại nấm lên 3.500 m2, trồng theo quy trình mới, giúp rút ngắn thời gian và tăng sản lượng.
"Với quy trình trồng nấm mới, tôi xây dựng trại theo kiểu mới, sản xuất hoàn toàn theo quy trình mới. Trại hiện nay là quy trình tưới sốc nhiệt bằng nước, trại mới sẽ sốc nhiệt bằng máy lạnh, giúp tiết kiệm 50% thời gian, sản lượng vẫn đảm bảo từ bằng tới cao hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư sẽ ở mức cao", anh Long tiết lộ.
Anh nông dân này rất chăm chỉ, không chỉ trồng loại cây "không lá", năm 2020, anh Long còn đầu tư sản xuất điện mặt trời, tổng công suất 965 kWp, dự kiến bán điện trong 20 năm; doanh thu hiện tại khoảng 220 - 250 triệu đồng/tháng.
Nhờ chịu khó làm việc và không ngại khó mỗi năm, anh Long có thu nhập từ trại nấm, sản xuất điện mặt trời và kinh doanh sân bóng đá mini từ 4 - 5 tỷ đồng.
Nông dân làm giàu nhờ làm trang trại nấm
Thời gian gần đây không chỉ anh Long có thu nhập tiền tỷ nhờ trồng nấm, trước đó nông dân Bùi Văn Mười cũng có thu nhập ổn định 2 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, ông Bùi Văn Mười (57 tuổi, ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, Tp.HCM) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở huyện Nhà Bè, Tp.HCM và sinh sống, làm việc tại huyện Cần Giờ, Tp.HCM.
Khoảng năm 1989, ông Mười cùng vợ con về quê vợ ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi để lập nghiệp với mô hình trồng nấm.
Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp trang trại nấm "Nấm 10 Sài Gòn", ông Mười cho biết, những năm 1990, kinh tế gia đình ông khó khăn cùng với điều kiện về kỹ thuật lúc đó còn hạn chế nên tất cả công đoạn làm nấm đều được thực hiện thủ công. Có lần do xử lý giá thể không kỹ, toàn bộ phôi nấm bị hỏng, coi như mất trắng.
Tuy nhiên, những lần thất bại chính là bài học kinh nghiệm để ông đúc kết ra quy trình chuẩn, cải thiện dần chất lượng phôi nấm và nấm thành phẩm.
"Nghề này thực sự không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải siêng năng vì những công đoạn phải diễn ra liên tục và cần theo dõi thường xuyên. Trồng nấm chỉ khó ở chỗ phải làm đúng quy trình, khâu nào cũng quan trọng, chỉ cần sai một khâu là hư sạch hết", ông Mười tâm sự với Dân Việt.
Từ những tích lũy vốn và kinh nghiệm qua nhiều năm, cơ sở "Nấm 10 Sài Gòn" từ chỗ chỉ gói gọn trong khoảng 500 m2 đã ở rộng lên 2.000 m2 và đến nay là 3.000 m2.
Bên cạnh đó, ông Mười cũng đầu tư các thiết bị như: máy sàng mùn cưa, lò hơi công nghiệp, xe nâng… để đảm bảo chất lượng giá thể, phôi nấm đồng đều và tiết kiệm chi phí nhân công.
Hiện nay, do nhu cầu thị trường rất lớn. Nghề trồng nấm vì thế cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Đặc biệt, mỗi tháng cơ sở "Nấm 10 Sài Gòn" của ông sản xuất trên 100.000 bịch phôi nấm, doanh thu trung bình đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Lợi ích ăn nấm, không phải ai cũng biết
Nấm là một loại thực phẩm cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng và có hàm lượng calo thấp. Nấm giàu chất chống oxy hóa và chất xơ. Đặc biệt là một nguồn nhiều vitamin B, selen, kẽm và đồng - các chất quan trọng trong việc sản xuất năng lượng trong tế bào, cần thiết cho một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Nấm cũng giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, hỗ trợ giảm cân và cải thiện sức khỏe nhận thức.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người ăn nấm thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn 34% so với những người ăn ít nhất, đặc biệt là trong trường hợp ung thư vú, trong một phân tích tổng hợp của 17 nghiên cứu trên tạp chí Advance in Nutrition được công bố vào tháng 9/2021. Nấm có nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là ergothioneine và glutathione, có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.
Trúc Chi (t/h)