Dám nghĩ dám làm
Những năm gần đây, tại xã vùng biên nghèo khó, nổi lên tấm gương điển hình, anh nông dân "chân đất" làm kinh tế giỏi. Người dân hay gọi anh với cái tên gần gũi "giám đốc làng". Bởi chỉ cách đây ít năm về trước, "giám đốc làng" cũng trải qua cuộc sống khó khăn, vất vả như bao người ở nơi đất đai cằn cỗi, khó khăn miền biên viễn này.
Thế nhưng, với khao khát làm giàu, dám nghĩ dám làm, tạo hướng đi mới phát triển kinh tế, anh nông dân chân đất ngày nào, giờ đã có cuộc sống khấm khá, tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương. Bản thân anh đã xây dựng được các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của riêng mình, đưa sản vật của địa phương đến các thành phố lớn.
Nhân vật mà chúng tôi nhắc đến, đó là anh Nguyễn Văn Thiêm (SN 1978, ngụ làng Bia Ngo, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Tiếng lành đồn xa, theo sự chỉ dẫn của người dân chúng tôi ngược về xã biên giới tìm gặp "giám đốc làng".
Trong căn nhà cấp 4 nằm cuối làng, khói bốc lên nghi ngút, phảng phất trong gió chúng tôi cảm nhận rõ mùi thơm đặc trưng của hương vị cà phê rang. Do đã có hẹn trước, thấy chúng tôi ghé thăm anh Thiêm mừng rỡ chạy ra tận cổng, miệng tươi cười mời khách vào nhà. Sau vài câu chào xã giao, anh Thiêm dẫn chúng tôi tham quan một vòng công xưởng mini của gia đình.
Ngoài trời mưa càng lúc càng nặng hạt, nhấp ngụm trà đắng, anh Thiêm nói: "Mưa kéo dài gần cả tháng nay rồi! Nơi miền biên viễn này, cuộc sống của bà con còn nghèo, vất vả lắm. Người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, số ít làm công nhân cạo mủ cao su, quanh năm đủ ăn là mừng rồi".
Sau câu chuyện rôm rả, chúng tôi bắt chước gọi anh là "giám đốc làng", anh gãi đầu cười khoan khoái. Chia sẻ với chúng tôi về quá trình khởi nghiệp của mình anh kể, mình quê ở tỉnh Hải Dương. Năm 1998, anh cùng gia đình vào Tây Nguyên theo diện di dân đi kinh tế mới.
Tại đây, anh làm công nhân của Công ty cao su 74 (binh đoàn 15). Thời gian sống tại đây, anh thấy tài nguyên nơi đây có sẵn, cà phê, điều, người dân trồng rất nhiều, nhưng luôn phải đối mặt với điệp khúc "được giá mất mùa". Bên cạnh đó, vì vùng sâu vùng xa, đường đi lại khó khăn, nông sản người dân làm ra bị thương lái ép giá, khiến người dân có cuộc sống bấp bênh.
Anh nhớ lại, năm 2018, anh xin nghỉ việc tại Công ty 74, bắt đầu khởi nghiệp. Trong những ngày quần quật trên rẫy, anh nhận thấy, nơi mình ở, măng tre mọc tự nhiên rất nhiều, trên rừng, trên rẫy nơi đâu cũng thấy và phát triển rất nhanh. Và cũng trong thời gian này, đặc sản măng khô rất được ưa chuộng, nhiều đơn vị doanh nghiệp thu mua với giá cao.
Nhiều người, dân địa phương đổ xô đi lấy măng về bán khiến nguồn cung ngày càng vơi dần. Bất chợt trong đầu anh lóe lên suy nghĩ, thời còn ở quê có loại măng tre Bát Độ phát triển nhanh, đặc biệt cho sản lượng nhiều biết đâu lại phát triển tốt trên mảnh đất Tây Nguyên. Sau bao ngày đắn đo, suy nghĩ, anh "làm liều" về quê tìm mua giống tre Bát Độ đưa vào Tây Nguyên trồng.
Anh Thiêm chia sẻ: "May mắn, hợp khí hậu thổ nhưỡng, sau hơn một năm trồng tre Bát Độ bắt đầu cho ra những búp măng đầu tiên. Giống măng tre này, có vị giòn, ngọt tự nhiên, tiềm năng tiêu thụ tốt. Mình tiếp tục nhận rộng mô hình để xây dựng vùng nguyên liệu. Năm vừa qua, gia đình mình thu được hàng tấn măng phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Măng tre Bát Độ củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre bình thường. Mỗi cây măng cân nặng 3-8kg, vỏ mỏng, thịt trắng, dày, lõi nhỏ, tỷ lệ thịt đạt trên 85%. Với giá thị trường hiện nay 300 nghìn đồng / 1kg măng khô, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình thu hơn 400 triệu đồng".
Tạo việc làm cho bà con địa phương
Theo anh Thiêm, không chỉ dừng lại ở mô hình măng tre Bát Độ, nơi anh sống nguồn nguyên liệu tại chỗ là cà phê, điều dồi dào. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, nguồn lợi mạng lại cho người dân không đáng kể. Trong khi đó, các sản phẩm chế biến từ cà phê, điều đều có giá bán rất cao. Nghĩ là làm, anh đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền mini, thu mua nông sản của bà con tại chỗ để chế biến thành phẩm cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm sản phẩm hạt điều rang muối, anh gặp rất nhiều khó khăn, do rang thủ công nên khó kiểm soát được nhiệt độ, điều dễ bị cháy. Phần nữa, không có máy tách hạt nên sản phẩm cũng bị vỡ, vụn nhiều. Sau nhiều lần thất bại, anh đã sản xuất ra được những mẻ điều mang thương hiệu riêng, được nhiều thực khách ưa chuộng.
"Lợi thế của mình chính là sống trên vùng nguyên liệu, điều mà nhiều doanh nghiệp lớn đang rất cần. Để có sản phẩm điều tốt, mình đã hợp tác cùng bà con, tổ chức chăm sóc theo phương thức hữu cơ. Mình đã cam kết luôn mua giá cao hơn so với thị trường. Mỗi ha điều, bán thô thì thu về khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhưng khi rang, sấy lên thì lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi. Trung bình, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 3 tấn điều chế biến sâu và 7 tấn bán khô, thu lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng", anh Thiêm nói.
Anh Thiêm khoe: "Hiện tại, mình có 2 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP là, hạt điều rang muối và cà phê nguyên chất" được bảo hộ thương hiệu Nguyễn Thiêm. 2 sản phẩm tiếp theo là măng tre khô và măng tre tươi chuẩn bị được cấp giấy chứng nhận OCP. Mình rất tự hào là xây dựng được thương hiệu riêng cho cá nhân, quảng cáo được sản vật đặc trưng vùng miền của địa phương đến các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, vào mùa vụ mình tạo được công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương. Nông sản bà con bán ra, được mình thu mua tại chỗ giá thành cao hơn, bà con rất phấn khởi".
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết: "Trên địa bàn huyện có những xã sở hữu nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân bấp bênh bởi khi được mùa thì mất giá. Bên cạnh đó, bà con trên địa bàn các xã chủ yếu là người dân địa phương, quen với tập tục canh tác truyền thống, năng suất hiệu quả không cao.
Thế nhưng, với hộ gia đình anh Thiêm là một trường hợp điển hình làm kinh tế giỏi, dám nghĩ dám làm. Tư duy nhạy bén trong nông nghiệp, không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình, mà hộ anh Thiêm góp phần nâng tầm sản vật của địa phương, tạo nguồn việc làm cho người dân địa phương".