"Khi đi kiểm tra các em học sinh lớp 1 bán trú nghỉ trưa, tôi giật mình đến đứng tim: một em trai đã sang giường bạn gái cùng lớp và trùm mền nằm chung. Tôi cẩn thận tìm hiểu thì hai em khai đang chơi trò… “vợ chồng”. Liệu các em ấy có vấn đề về phát triển giới tính không? Chúng tôi phải dạy dỗ học sinh này ra sao? (Trịnh H.L., Đà Lạt)
Trả lời những câu hỏi của học sinh về giới tính là một trong những trách nhiệm mà thầy cô cảm thấy khó thực hiện nhất. Tất cả chúng ta đều biết giáo dục giới tính cho trẻ rất quan trọng, việc này giúp trẻ xây dựng khuynh hướng đúng đắn về giới và ít tò mò hơn. Bắt đầu từ ba tuổi, trẻ đã có nhận biết về mình và trí tưởng tượng luôn thôi thúc trẻ khám phá cái mới. Lên tiểu học, sự phát triển tâm sinh lý và ham muốn khám phá càng tăng lên. Chính lúc này, thái độ, hành vi của người lớn ảnh hưởng đến trẻ rất nhanh chóng. Trẻ luôn để ý và muốn xâm nhập vào thế giới người lớn bằng cách bắt chước (chơi trò bán hàng, đóng vai cô giáo, chú công an, kể cả bắt chước yêu nhau theo “kiểu người lớn”). Đa số trò chơi về tình dục giữa các trẻ là do tò mò. Những hành vi này nếu không phát hiện và uốn nắn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến tính cách của trẻ về sau. Dân gian có câu “Bé không vin, lớn gãy cành” là vậy.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, sự hiếu kỳ tính dục ở tuổi lớn hơn còn có thể khiến trẻ có quan hệ tình dục vị thành niên, lệch lạc giới tính. Trước những tình huống trớ trêu này, nhiều phụ huynh thường mắc sai lầm là hốt hoảng, trách mắng, đánh phạt con. Điều đó không giải quyết được vấn đề, lại khiến trẻ bị áp lực và rơi vào các biểu hiện rối loạn khác (stress, trầm cảm, lo âu hoặc rối nhiễu về hành vi và nhận thức).
Tôi nghĩ, giáo viên cần kết hợp với gia đình học sinh để gần gũi, chia sẻ, lắng nghe và giải thích những vấn đề nhạy cảm một cách khoa học, bằng lời lẽ đơn giản và phù hợp với lứa tuổi. Mỗi người lớn nên bảo vệ trẻ bằng cách cư xử đúng mực trước mặt trẻ. Từ sau ba tuổi, tốt nhất cho trẻ ngủ riêng, vừa giáo dục tính tự lập, vừa tránh sự tò mò. Khoảng sáu tuổi, trẻ thường thích chơi trò “bác sĩ” (giả vờ thăm khám, cho nhau xem các bộ phận kín) hoặc đóng vai “vợ chồng” (ôm ấp, ngủ chung) như hai học sinh kể trên. Ta đừng vội nghĩ điều này sẽ dẫn đến những hành vi bừa bãi khác. Thường thì sự có mặt của người lớn đã đủ để làm các em gián đoạn trò chơi. Lúc này, giáo viên không nên phê bình gay gắt và không cần giải thích về hành vi “xấu xa” đó, vì rất ít trẻ có thể hiểu được khái niệm này. Nên hướng sự chú ý của trẻ vào các hoạt động khác, sau đó ngồi lại và trò chuyện với trẻ rằng, mọi người thường không thích khoe cơ thể mình ở nơi đông người và không ngủ chung với người khác phái, trừ khi là vợ chồng. Có thể giải thích rằng, khi một người đàn ông và một người phụ nữ đủ tuổi làm đám cưới, họ mới tổ chức đám cưới rồi về ở với nhau. Bằng cách này, chúng ta đặt ra những giới hạn mà không khiến trẻ cảm thấy có tội.
Lớp 1 cũng là độ tuổi thích hợp để bắt đầu nói với trẻ về những đụng chạm không tốt. Trẻ cần hiểu rằng thân thể là của riêng mình và có những bộ phận kín không ai được phép chạm vào (trừ thầy thuốc khi thăm khám và cha mẹ khi làm vệ sinh cho con). Giáo viên hãy nhắc nhở các cháu: nếu bất cứ ai chạm vào những vùng ấy, cần nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì hét lên và bỏ chạy, sau đó kể ngay cho người lớn biết.
Đặc biệt, cả gia đình và nhà trường đều phải giữ gìn tâm hồn non nớt của trẻ bằng cách kiểm soát trẻ trong việc tiếp xúc với những hình ảnh nhạy cảm về giới tính qua quảng cáo, phim ảnh, truyện tranh...
Theo Bác sĩ Hoa Tiêu (PNO)