Kết thúc quý III/2024, khi nền kinh tế bắt đầu có những tín hiệu tích cực, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng cũng có dấu hiệu cải thiện.
Theo dự báo từ Maybank IBG Research, ngành công nghiệp sữa Việt Nam trong năm 2024 dự kiến sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng dương về sản lượng, nhờ nền kinh tế dần phục hồi, tạo động lực cho người tiêu dùng tăng mức chi tiêu đối với các sản phẩm sữa nước và sản phẩm từ sữa.
Cùng với đó, thu nhập và điều kiện sống ngày càng được cải thiện cũng tạo thêm khả năng cho người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm sữa chất lượng cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường phục hồi, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lại không mấy khả quan, khi đa số đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Riêng Sữa Quốc tế LOF là doanh nghiệp nổi bật với lợi nhuận tăng trưởng, nhờ điều chỉnh cơ cấu doanh số giữa các nhóm sản phẩm.
"Thay tên đổi vận"
Vào tháng 7/2024, Hội đồng Quản trị Sữa Quốc tế đã thông qua quyết định đổi tên từ Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP thành Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (UPCoM: IDP). Sau cột mốc này, chủ sở hữu nhiều thương hiệu sữa phổ biến như Kun, Ba Vì đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.
Theo đó, quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.048 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của công ty trong quý này là 835 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng 32% lên 48 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của Sữa Quốc tế LOF trong quý III/2024 đều ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chi phí bán hàng tăng mạnh nhất với 32% lên 425 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp của Sữa LOF cũng tăng 23% lên 63 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế khoảng 299 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Sữa Quốc tế LOF, cho biết sự tăng trưởng doanh thu thuần đến từ việc thay đổi cơ cấu doanh số giữa các nhóm sản phẩm. Đồng thời, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí tài chính cũng giúp lợi nhuận của công ty tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần 5.563 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 810,8 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.
Năm 2024, IDP đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 7.800 đến 8.000 tỷ đồng. Đối với lợi nhuận sau thuế, công ty xây dựng 2 kịch bản: thấp là 850 tỷ đồng và cao là 950 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành khoảng 70% kế hoạch doanh thu và 90% mục tiêu lợi nhuận.
Chật vật với lợi nhuận sụt giảm
Tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk - UPCoM: HNM) lại ghi nhận tình hình doanh thu tăng nhưng lợi nhuận ngày càng "teo tóp".
Theo đó, quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 216 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao đã bào mòn lợi nhuận gộp của công ty xuống còn 32 tỷ đồng, Bên cạnh đó, do chi phí bán hàng phát sinh đã kéo lùi lợi nhuận của Hanoimilk xuống còn 10 tỷ đồng, giảm 26%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 531 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 38% xuống còn 23 tỷ đồng.
Năm 2024, Hanoimilk lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 48 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành lần lượt 66% kế hoạch doanh thu và 62% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.