Tuổi thơ sau cánh cổng trại giam
Dưới ánh hoàng hôn nhạt dần, chúng tôi tiếp tục theo chân các cán bộ Trại giam Đắk Trung (Bộ Công an) tiến vào khu giam giữ phạm nhân nữ. Không khí nơi đây trầm lắng, chỉ có tiếng bước chân khẽ vang trên lối đi. Một quản giáo đi bên cạnh khẽ nói: "Ở đây có gần chục đứa trẻ, bất đắc dĩ theo mẹ vào trại thụ án...".
Khi cánh cửa phòng trong khu y tế vừa hé mở, từ bên trong, những bước chân nhỏ bé lập tức ùa ra, mang theo tiếng cười đùa trong trẻo, xua tan bầu không khí trầm mặc. Những đôi mắt ngây thơ, khuôn mặt kháu khỉnh hiện ra trước mắt, khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Một vài người trong đoàn khẽ thốt lên: Trời ơi… dễ thương quá!

Gần chục cháu nhỏ theo mẹ đi chấp hành án tại Trại giam Đắk Trung.
Chợt nhận ra ống kính lạ, một số đứa trẻ bỗng sợ hãi, òa khóc, ôm chặt lấy mẹ như một phản xạ tự nhiên. Cũng có cháu nức nở đòi mẹ đưa ra ngoài dạo chơi. Những người mẹ nhẹ nhàng vỗ về con trong ánh mắt đầy tâm sự. Khoảnh khắc ấy làm chúng tôi chùng xuống, cảm giác nghẹn ngào khó tả.
Lê Thị Ngọc Đ. (SN 2003, trú tại TP.HCM) chia sẻ: "Tôi lớn lên mà không được sự chăm sóc, yêu thương từ vòng tay của bố mẹ. Từ khi tôi còn rất nhỏ, bố mẹ đã chia tay. Cũng từ đó, tôi phải sống với ông bà nội".
Cũng theo lời kể, khi lớn lên, Đ. mang lòng yêu một thanh niên quê tỉnh Cà Mau, cả hai sống chung như vợ chồng mà không có lễ cưới hay đăng ký kết hôn. Năm 2022, Đ. và bạn trai biết rõ người em kết nghĩa đi cướp tài sản, nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật nên không tố giác tội phạm. Vô tình trở thành động phạm trong vụ án này, cô gái trẻ và bạn trai phải chịu mức án nghiêm khắc của pháp luật. Trong đó, Đ. đối diện với mức án hơn 5 năm tù.

Dù lớn lên trong nghịch cảnh nhưng các cháu bé vô cùng xinh đẹp, kháu khỉnh.
Thời điểm này, Đ. đang mang thai con trai đầu lòng được 32 tuần. Không thể liên lạc với bạn trai sau khi bị bắt tạm giam nên người mẹ trẻ phải một mình vượt cạn. Không bao lâu sau khi chào đời, con trai của Đ. lại bị viêm phổi cấp tính, phải nhập viện điều trị suốt 10 ngày.
Từ ngày 24/7/2023, Đ. cùng con trai được chuyển về Trại giam Đắk Trung để chấp hành án. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, người mẹ trẻ đã dần yên tâm cải tạo, hy vọng một ngày sẽ trở về cùng con làm lại cuộc đời.
"Do ông bà nội già yếu và ông lại bị tai biến nên quá trình chấp hành án, mẹ con tôi không có người thân thăm nom. Cũng vì thế, mọi đồ dùng từ quần áo, sữa đến việc ăn uống của con đều được cán bộ quản giáo hỗ trợ. Mỗi tháng, cháu còn được nhận trợ cấp số tiền 2,7 triệu đồng, nên việc ăn uống luôn được đảm bảo. Như hiểu được hoàn cảnh của mình, cháu rất ngoan, ăn uống giỏi và không quấy khóc mỗi khi mẹ đi làm", Đ. cười hạnh phúc.

Đ. cho biết, con trai chị cũng như những đứa trẻ khác được hưởng nhiều chế độ, chính sách trong quá trình theo mẹ vào trại giam.
Niềm hy vọng và nỗi lòng người mẹ
Trong những ngày dài tù tội, còn có không ít người mẹ vừa phải đối mặt với lỗi lầm của bản thân, vừa chăm sóc đứa con thơ. Một trong số đó là Nguyễn Huỳnh Bảo Tr. (SN 2001, trú tại tỉnh Khánh Hòa).
Tr. không ngần ngại chia sẻ về sự bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ đã dẫn bước chân vào con đường phạm tội.
Cách đây vài năm, trong một phút sai lầm, Tr. đã gây ra một vụ án giết người và bị tuyên phạt mức án 17 năm tù. Dù bản án đã có hiệu lực nhưng do đang mang thai nên cô gái trẻ được hoãn thi hành án.

Thấu hiểu những thiệt thòi của các cháu nhỏ, Thượng úy Nguyễn Thị Tuyết, cán bộ y tế Trại giam Đắk Trung luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho các cháu.
Đến tháng 1/2024, khi đứa con trai đầu lòng được 2 tuổi rưỡi, Tr. buộc phải đi thi hành bản án do mình gây ra. Thế nhưng, sau vào trại, Tr. lại phát hiện mình đang mang bầu lần thứ hai, khiến nỗi day dứt trong lòng người mẹ trẻ thêm chồng chất. Dù vậy, nhờ vào sự động viên và chăm sóc tận tình từ các cán bộ trại giam, Tr. đã vượt qua khó khăn và sinh hạ một cậu con trai kháu khỉnh.
Vào ngày 25/12/2024, Tr. và con trai thứ hai được chuyển đến Trại giam Đắk Trung để tiếp tục thi hành án. Ngày qua ngày, ngoài việc chăm sóc con, Tr. còn giúp đỡ chăm sóc con của các nữ phạm nhân khác trong trại giam.
Nhìn con lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn tình thương của mọi người thân gia đình, Tr. càng thêm quyết tâm cải tạo tốt, không ngừng nỗ lực mỗi ngày với hy vọng sớm được trở về bên gia đình và bù đắp cho các con.
Cùng chung số phận, nữ phạm nhân Hồ Thị V. (SN 1985, trú tại tỉnh Đắk Lắk), người bị kết án 6 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng đang trong hành trình cải tạo, vừa chăm sóc con gái 22 tháng tuổi, vừa học nghề đan lát. Đến nay, V. đã có thể tự tay đan được những sản phẩm mỹ nghệ như giỏ xách, nón, mũ...
"Nghề đan lát có thể làm việc bán thời gian. Do đó, sau khi ra tù, tôi sẽ nhận đan các sản phẩm mỹ nghệ cho những cơ sở có nhu cầu để mưu sinh và lo cho con cái", V. nói.

Các cháu nhỏ háo hức khi được cùng mẹ ra ngoài dạo chơi.
Công tác tại Trại giam Đắk Trung suốt 18 năm qua, Thượng úy Nguyễn Thị Tuyết, cán bộ y tế của trại chia sẻ: "Những đứa trẻ theo mẹ vào trại giam để thi hành án phải chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là sự thiếu vắng tình cảm từ gia đình. Vì vậy, cán bộ trại luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt nhằm giúp các mẹ và con cảm nhận được tình người, cũng như sự nhân văn, khoan dung của Đảng và Nhà nước".
Cũng theo Thượng úy Tuyết, hầu hết các phạm nhân nữ có nhiều thời gian để chăm sóc con. Khi con lớn hơn, người mẹ được tạo điều kiện tham gia các lớp học nghề, chuẩn bị cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định để nuôi dạy con cái sau này. Đặc biệt, trong thời gian ở cùng mẹ, các em nhỏ đều phát triển khỏe mạnh, ngoan ngoãn và được tiêm chủng đầy đủ như những trẻ em ngoài xã hội. (Còn nữa)

Ngoài thời gian chăm con, phạm nhân Hồ Thị V. chăm chỉ lao động, cải tạo tốt để sớm cùng con trở về với gia đình, xã hội.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung cho hay, hiện nay trại giam có gần chục cháu nhỏ theo mẹ vào trại, trong đó cháu nhỏ nhất chỉ mới gần 1 tháng tuổi và lớn nhất là trên 2 tuổi.

Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung chia sẻ về việc thực hiện chế độ chính sách đối với các cháu nhỏ theo mẹ vào trại giam.
"Trong quá trình thực hiện chế độ chính sách đối với các cháu, chúng tôi triển khai theo đúng quy định pháp luật về chăm sóc trẻ. Những cháu dưới 36 tháng tuổi trong thời gian cháu ở với mẹ, ngoài chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước thì ngày lễ, Tết, Trại giam sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để trao quà cho các cháu. Đặc biệt, Ban Giám thị, Hội đồng giáo dục của Trại giam cũng trích từ quỹ tấm lòng vàng để hỗ trợ cho các cháu trong những ngày lễ, Tết...", Đại tá Ngà thông tin.
Đối với các tiêu chuẩn, chế độ theo Nghị định 118 của Chính phủ, nếu các mặt hàng tiêu dùng sử dụng không hết, trại giam sẽ căn cứ vào tình hình thực tế cho các cháu chuyển đổi sang mặt hàng thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe trong thời theo mẹ vào trại. Khi các cháu ốm đau, nếu ngoài khả năng điều trị tại bệnh xá, Trại giam sẽ chuyển lên tuyến trên để điều trị...
Đối với những cháu ngoài 36 tháng tuổi, sẽ được liên hệ với thân nhân để đưa về với gia đình. Với những phạm nhân không có thân nhân, gia đình, Trại giam sẽ liên hệ với các tổ chức chính trị - xã hội để gửi các cháu trong thời gian mẹ vẫn đang phải tiếp tục chấp hành án phạt tù.
Khánh Ngọc