Hai tâm hồn đầy vết thương ấy đã tình cờ gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Họ đang cố gắng vượt qua muôn vàn khó khăn để vun vén cho gia đình nhỏ. Có lẽ, tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ chỉ là tình yêu, niềm tin và hi vọng.
Tuy muộn màng nhưng Hải và Hòa thật sự đã tìm thấy ánh sáng của đời nhau
Nghị lực phi thường của cậu bé tật nguyền
Mấy ngày nay, các cô chú trong mái ấm Nhân Tâm (Q. 12, TP.HCM) đang tất bật sửa sang căn phòng nhỏ để dành cho đôi uyên ương Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Thị Kim Hòa. Tiếp tôi tại văn phòng của mái ấm Nhân Tâm, anh Hải hồ hởi: “Hai vợ chồng tôi vừa về thăm quê thăm bố mẹ nuôi cả tuần nay, mới tổ chức đám cưới nên nhiều việc quá anh à”. Trò chuyện được một lúc, chị Hòa, vợ anh Hải chầm chậm bước vào. Biết vợ chưa quen đường, anh Hải liền nhẹ nhàng hướng dẫn đường đi rồi kéo sẵn ghế cho vợ ngồi. Hơi rụt rè, chị Hòa cất lời chào khách bằng chất giọng con gái Sài Gòn ngọt ngào. Cơn mưa đầu mùa dần nặng hạt. Câu chuyện về tuổi thơ nhọc nhằn của anh và quãng đời bất hạnh của chị như luồn vào tiếng mưa tầm tã.
Vào một ngày cuối hạ oi nồng, nơi cửa sau của Y viện Sùng Chính (nay là Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM), đứa bé trai trong tấm khăn tả tơi, khát sữa gào khóc đến lạc giọng nhưng vẫn không có người bồng bế. May sao, một người bộ đội đi ngang qua, động lòng thương đã mang đứa bé về nhà rồi đem cho một gia đình hiếm muộn ở Long An. Đứa bé trai kháu khỉnh được cha mẹ nuôi đặt tên là Nguyễn Văn Hải. Có gia đình mới, ai cũng tưởng Hải sẽ được sống trong cảnh sung túc, hạnh phúc cùng bố mẹ. Tuy nhiên, vừa tròn 3 tuổi, một căn bệnh quái ác đã cướp đi đôi mắt của cậu bé.
Suốt trong những năm tháng, cậu bé khôi ngô luôn phải sống trong sự tối tăm vì thiếu ánh sáng mặt trời. Lớn lên, biết cha mẹ đau yếu liên miên còn phải lo lắng cho mình nên Hải đã quyết định lên Sài Gòn kiếm sống. Chấp nhận tủi cực, cậu trụ lại ở cái mảnh đất phồn hoa nhưng cũng đầy cạm bẫy. Buổi sáng, Hải lang thang mò mẫm trên những con đường mời chào từng tấm vé số. Đêm về, anh đến trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để học văn hóa. Biết bao nhiêu lần anh bị kẻ gian quỵt tiền, giật vé số nên món nợ với đại lý cứ thế lớn dần.
Khó khăn, nhọc nhằn nhưng cậu bé tật nguyền vẫn không bỏ cuộc. Những ngày lễ vía Phật, anh lặn lội xuống Chùa Bà (Bình Dương) để bán hoa trái, nhang đèn. Nhờ thế mà anh dần trả được nợ và có tiền để tiếp tục theo đuổi việc học hành. Thấy Hải có năng khiếu ca hát, các thầy cô khuyên Hải nên đi học lớp thanh nhạc. Nhưng vì không có điều kiện, anh chỉ học hết trung cấp rồi đành phải giã từ mộng ước trở thành ca sĩ hát Opera.
Như một cơ duyên, Hải tìm đến lớp học vi tính cho người khiếm thị tại Q. 12, rồi xin trọ lại mái ấm Nhân Tâm. Ở đây, Hải đã gặp được họa sĩ Lê Phương, người sáng lập nên mái ấm Nhân Tâm và cũng là cầu nối để Hải đến được với chị Kim Hòa.
Không giống như Hải, Kim Hòa may mắn hơn khi sinh ra trong một gia đình có điều kiện ở huyện Bình Chánh. Từ nhỏ cô đã được bao bọc trong vòng tay của mẹ cha. Khi đã trở thành thiếu nữ, Hòa sở hữu ngoại hình ưa nhìn và chất giọng ngọt ngào như suối chảy khiến không ít chàng trai mê mẩn. Nhưng “hồng nhan bạc phận”, đang trong lúc hạnh phúc thì cô bị chồng ruồng rẫy. Nói chuyện với chúng tôi, những ấm ức của cô gái trẻ như được dịp tuôn trào. Ngồi cạnh bên, Hải nắm chặt tay vợ như muốn dùng hơi ấm để ngăn dòng cảm xúc. Nhấp ngụm trà ấm, anh Hải bảo: “Tôi không muốn vợ phải đau lòng thêm lần nữa. Từ nay, tôi sẽ làm tất cả để bù đắp giúp cô ấy quên đi những ngày tháng chìm trong đau khổ trước kia”.
Duyên phận
Theo lời kể của Hải, vợ chồng anh gặp nhau tại chùa Hưng Quốc, Q. 11, khi cả hai đang nhận quà từ thiện. Vừa nghe giọng nói thánh thiện của Hòa, Hải đã sinh lòng cảm mến. Như có trời xui đất khiến, anh đánh bạo làm quen, xin số điện thoại. Cũng từ đó mà những đêm Sài Gòn mưa dầm rả rích, một mình trong căn nhà tăm tối Hải bớt cô đơn, tủi phận khi được nghe giọng ấp áp của Hòa, dù nhữäng lời yêu thương ấy chỉ qua điện thoại. Không được gặp nhau, nhưng từ lúc nào hai tâm hồn đã trở nên đồng điệu. Họ đã cùng động viên nhau vượt qua những vấp váp đau thương trong cuộc sống. Có những lúc, Hải muốn dùng lời ca, tiếng hát để tỏ lòng thương mến với Hòa, nhưng anh lại sợ. Anh sợ mình vẫn còn tay trắng, sợ không thể mang lại hạnh phúc cho người con gái mà anh thầm yêu trộm nhớ. Chàng trai mù lòa mang nỗi lòng nặng trĩu ấy đi tâm sự với họa sĩ Lê Phương, người mà anh gọi là thầy.
Ngay lập tức, thầy Lê Phương đã lo mai mối, cau trầu dạm hỏi cho cậu học trò tật nguyền. Hải vỡ òa trong hạnh phúc khi Hòa gật đầu đồng ý và gia đình chị cũng ưng thuận. Hải vuốt tóc vợ trìu mến bảo: “Chúng tôi mới tổ chức lễ cưới ngày 29/4 này. Tính ra vợ chồng tôi quen nhau chưa được một tháng. Thương thầm 28 ngày, ai ngờ đến ngày 29 lại cưới được vợ”. Đám cưới giản dị, đầm ấm được diễn ra tại mái ấm Nhân Tâm.
Trong ngày vui, Hải ôm đàn, ngân nga bài “Tiếng hát những mộng xanh” do anh và một người bạn cùng sáng tác. Đứng bên chồng, chị Hòa rưng rưng nước mắt. Chị không ngờ mình có thể tìm được một người vừa giỏi giang, nghị lực, lại vừa lãng mạn đến thế. “Lúc trước, mình đi làm mát xa để kiếm đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, mình chỉ đi làm vì có chút nghề thôi chứ không làm việc xấu như những cô gái khác. Nhưng lấy anh Hải rồi, ảnh không cho mình đi làm nghề đó nữa. Hải sợ mình gặp điều nguy hiểm, nên chắc sắp tới mình học đan lát để kiếm tiền phụ giúp thêm cho chồng. Anh Hải thương vợ lắm, cái gì cũng lo lắng cho vợ con trước rồi mới nghĩ đến bản thân”, chị Hòa ngân ngấn nước mắt.
Ngần ấy năm bôn ba trên đất lạ quê người, anh Hải hiếm khi về nhà ở Long An. Vì anh sợ về nhà cha mẹ nuôi sẽ đau lòng và lo lắng cho tương lai của đứa con nuôi tật nguyền. Đến khi hạnh phúc đã vuông tròn, anh mới dám dắt tay Hòa về ra mắt cha mẹ, để ông bà an tâm vui sống tuổi già.
Được biết, anh Hải dự định sắp tới sẽ tiếp tục đi bán vé số để kiếm tiền chăm lo cho gia đình nhỏ. Ngoài ra, anh cùng họa sĩ Lê Phương lên các chương trình giúp đỡ, dạy vi tình cho các em khiếm thị ở mái ấm Nhân Tâm. Tâm sự với tôi, anh Hải bảo, mơ ước lớn lao nhất của anh là góp đủ vốn để mở một quầy tạp hóa nhỏ để vợ con đỡ cực. Rồi anh sẽ mua vài dàn máy vi tính cũ để dạy tin học cho người khiếm thị, nhằm giúp những người đồng cảnh ngộ như anh dễ tìm việc và hòa nhập cộng đồng. Nghe đến đó, tôi bỗng cảm thấy chạnh lòng. Việc khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng đối người bình thường đã rất khó khăn, huống chi là trong hoàn cảnh của anh chị. Thật sự không dám nói ra, nhưng mộng ước đẹp đẽ đó của gia đình Hải có lẽ còn quá xa xôi.
Kiên quyết nhận nuôi con riêng của vợ Được biết, chị Hòa yêu Hải bằng chính niềm tin và sự tôn trọng tuyệt đối. Bởi vì, người đàn ông cao thượng này không những chăm lo cho vợ mà còn đón nhận cả đứa con trai riêng mới biết đi chập chững của cô. Khi biết, Hòa có ý định gửi con cho nhà ngoại, anh Hải đã phản đối kịch liệt. Anh Hải cho rằng đứa trẻ chẳng có tội tình gì mà phải thiếu vòng tay của mẹ. “Hòa sợ cậu con trai sẽ vướng bận cho tôi và có lẽ cũng mong đứa trẻ được ấm no đầy đủ hơn nên mới gửi nhà ngoại. Nhưng thằng bé nó có quyền được sống hạnh phúc bên mẹ cha. Dù cuộc sống vất vả nhưng tôi hứa sẽ cố gắng chăm lo cho mẹ con Hòa”, anh Hải vừa nó vừa quay sang nhìn vợ. Lời nói đầy kiên nghị của chồng khiến chị Hòa không kìm được cảm xúc. Giấu đi những giọt nước mắt, chị cúi xuống dỗ dành cậu con trai của mình. Tiếng trẻ thơ cười đùa khiến gian phòng vách che bỗng ấm dần lên trong màn mưa lạnh giá. |
Ngọc Giàu