Theo Sputnik, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã ghi lại được cảnh tượng ngoạn mục và hi hữu trên ở giữa sa mạc Sahara, thuộc thị trấn Ain Sefra của Algeria.
Ain Sefra nằm ở rìa phía bắc của sa mạc Sahara. Thị trấn khá lớn này còn được gọi là “Cánh cổng tới Sahara”. Trong năm 1979, thị trấn này từng chứng kiến một trận tuyết rơi kéo dài trong nửa giờ. Đợt tuyết rơi năm nay kéo dài trong một ngày.
Karim Bouchetala, một cư dân của Ain Sefra rất đam mê nhiếp ảnh, đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tuyết rơi trên sa mạc.
“Mọi người đều sững sờ khi nhìn thấy tuyết rơi trên sa mạc”, Karim nói. “Đó là một hiện tượng hiếm có. Nó trông rất tuyệt”.
Tuyết rơi ở Sahara giống như một nghịch lý, nhưng nó xuất hiện khá phổ biến ở các đỉnh núi thuộc phần mở rộng của sa mạc. Dãy Hoggar ở Algeria và dãy núi Tibesti ở Chad cũng xuất hiện tuyết trên đỉnh núi vài lần mỗi năm.
Ain Sefra cao khoảng 1.000 mét trên mực nước biển. Nơi này được cho là không thể sản sinh ra tuyết và tuyết xuất hiện ở các đụn cát tại đây là do gió mạnh đã thổi chúng từ trên đỉnh núi Altas của Morocco xuống.
Sau Nam Cực và Bắc Cực, Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới. Nó trải dài gần như toàn bộ Bắc Phi và có mật độ dân số rất thấp, chưa tới 1 người trên mỗi dặm vuông. Nhưng Sahara không luôn khô cằn và hoang vắng. Khoảng 11.000 năm trước, đây là khu vực đông dân cư, xanh tốt. Khoảng năm 3.500 năm trước Công nguyên, những cơn mưa trở nên hiếm hoi khiến đất đai khô cằn. Đây cũng là thời điểm khởi đầu của nền văn minh Ai Cập.
Hiện tượng tuyết rơi trên sa mạc đã khiến một số người tin rằng chu kỳ xanh tươi của Sahara có thể quay trở lại một lần nữa.
Hoàng Hải