Có thể nói, chiếc áo dài truyền thống với hai tà áo dài thướt tha, chiếc quần chấm gót đã ăn sâu vào trong tâm trí người Việt. Dù trải qua bao năm tháng, chiếc áo dài được chỉnh sửa khá nhiều nhưng nó vẫn giữ nguyên sự dịu dàng, đằm thắm. Tuy nhiên, đầu xuân 2017, chiếc áo dài phối với váy xòe hay quần lửng được nhiều người gọi là áo dài cách tân đã gây nên những tranh cãi.
Trước vấn đề này, PV đã liên hệ với PGS.TS Phan An, chuyên gia nghiên cứu Lịch sử Văn hóa Việt Nam để được nghe ý kiến đánh giá. Theo đó, PGS.TS Phan An cho biết: “Theo như quá trình tìm tòi, nghiên cứu của tôi, Áo dài Việt Nam được hình thành từ sự giao lưu văn hóa. Theo thời gian, áo dài truyền thống cũng có những sự thay đổi nhất định. Thực chất, áo dài khi mới bắt đầu hình thành, nó khá rộng và được kết hợp với váy dài. Theo tư liệu trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho thấy, ngày xưa áo dài được kết hợp với váy dài và đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát áo dài mới bắt đầu bỏ váy và kết hợp với quần. Chính vì thế, bây giờ, một số nhà thiết kế bắt đầu lại bỏ quần mà kết hợp áo dài với váy. Đây là sự lặp lại của thời trang, không cần phải lên án”.
PGS.TS Phan An cũng cho biết: “Điểm khác nhau ở đây là nó ngắn hơn để tạo sự năng động cho phù hợp với tính cách con người từng thời đại. Vì thế, chuyện hôm nay kết hợp áo dài với quần, mai kết hợp với váy,… không có gì đáng ngạc nhiên. Văn hoá luôn luôn có sự giao thoa và thay đổi. Thời trang là phần động của văn hóa nên thường xuyên thay đổi là lẽ tất nhiên. Cũng như hanbok của người Hàn Quốc và kimono của người Nhật Bản vậy, có nhiều người bảo thủ nói rằng trang phục truyền thống của họ không thay đổi nhưng thực chất lại thay đổi ít nhiều. Chỉ cần những thay đổi đó không làm mất đi nét truyền thống của trang phục là được”.
“Ngoài ra, chúng ta cũng nên để cho tuổi trẻ được thể hiện nét trẻ trung, phá cách, cởi mở trong trang phục. Hãy cứ để họ trải nghiệm, đừng nên áp đặt quan niệm của mình lên người khác. Con người ai cũng có sự nhận thức. Vì thế, nếu áo dài cách tân là phù hợp sẽ tiếp tục tồn tại còn không nó sẽ tự mất đi như một trào lưu. Những gì tinh túy sẽ tồn tại mãi mãi. Áo dài truyền thống của nước Việt ta là tinh túy hàng nghìn năm lịch sử. Vì thế, dù cách tân đến thế nào, nét tinh túy của Áo dài truyền thống sẽ không bao giờ bị mai một. Chúng ta nên cổ vũ các bạn trẻ hãy luôn tự làm mới với những ý tưởng có chọn lọc, không nên bảo thủ cố chấp,… để làm nên nét đặc sắc trong bộ sưu tập áo dài của người Việt”, PGS.TS Phan An chia sẻ thêm.
Cùng vấn đề này, trao đổi với NTK Bảo Châu, một nhà thiết kế áo dài nhiều năm tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Sự thay đổi đó không phải họ không yêu trang phục truyền thống mà họ chỉ muốn trang phục truyền thống được ứng dụng một cách rộng rãi và phù hợp với từng thời đại khác nhau. Vì thế, khi áo dài được cách tân, nhiều người thích mặc áo dài hơn. Điều đó thể hiện trong việc du xuân 2017 vừa qua, ai ai cũng mặc áo dài. Nếu bạn nào đến phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp Tết Nguyên đán vừa rồi sẽ được ngắm rất nhiều kiểu áo dài cách tân đẹp mắt, đa dạng với nhiều màu sắc và chất liệu. Cho nên, trào lưu mặc áo dài cách tân này không vi phạm thuần phong mỹ tục, hay đạo đức đáng bị lên án. Điều chúng ta nên đánh giá cao ở đây chính là việc mặc áo dài trong những ngày Tết Đinh Dậu đã góp phần cổ vũ gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
“Thời trang là thẩm mỹ, thẩm mỹ mang tính cá nhân và phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm, mức độ giao tiếp với xã hội của mỗi người. Chính vì vậy, việc tranh luận quanh những thay đổi của áo dài là điều bình thường. Điều bất bình thường là người ta lại nhân chuyện này, nhân danh văn hoá để quy chụp, lên án,… Bản thân tôi cũng vậy, tôi có cách tân một số mẫu trang phục áo dài và tôi thấy sự cách tân đó đẹp. Nhiều người đến đặt may ở chỗ tôi còn đưa tôi xem nhiều mẫu thiết kế áo dài của riêng họ và yêu cầu tôi may theo."
Dương Hạnh