Tâm điểm chú ý của giới truyền thông đang đổ dồn vào cuộc bầu cử Áo sẽ diễn ra vào ngày hôm nay 15/10 (giờ địa phương).
Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang theo rất sát cuộc bầu cử ở quốc gia này, đặc biệt sau những hệ lụy về Brexit năm ngoái và làn sóng chính trị cánh hữu đang nổi lên ở cuộc bầu cử Đức, Pháp trong thời gian gần đây.
Bầu cử năm nay diễn ra sớm hơn dự kiến một năm sau khi đảng Xã hội Dân chủ cánh tả (SPO) và đảng Nhân dân (OVP) mang tư tưởng trung hữu cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung sau nhiều tháng bế tắc do bất đồng chính sách và tranh cãi nội bộ trong OVP.
Sebastian Kurz - lãnh đạo của OVP - người đang là Ngoại trưởng Áo hiện tại được dự đoán sẽ trở thành Thủ tướng mới của đất nước. Ông Kurz có biệt danh là "người đi trên nước". Ông được xem là thế hệ lãnh đạo trẻ đầy tài năng.
Đảng OVP của ông đang nhận được tỷ lệ cao nhất trong các cuộc thăm dò dư luận với 33% số phiếu bầu ủng hộ.
Trong khi đảng SPO sẽ so kè vị trí thứ hai với đảng Cực hữu Tự do Áo (FPO) khi cả hai được dự đoán sẽ giành chiến thắng khoảng 25% số phiếu.
Với việc không bên nào chiếm số phiếu đa số, kết quả sẽ dẫn đến sự thành lập của Chính phủ liên minh do OVP đứng đầu với sự hỗ trợ của FPO.
Sẽ có khoảng 13.000 địa điểm bỏ phiếu phục vụ cho 6,4 triệu cử tri trên khắp cả nước. Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa trước 5h chiều và kết quả bầu cử sẽ được thông báo trong tối cùng ngày.
Nếu đảng OVP chính thức giành chiến thắng, đây được cho là sự thay đổi bộ mặt chính trị nước Áo lớn nhất trong nhiều năm qua.
Vấn đề xung quanh sự trỗi dậy của phe cánh hữu, nhập cư, cải cách EU và vai trò của Hồi giáo trong xã hội đang trở thành tâm điểm chủ đạo trong các cuộc bầu cử ở khắp châu Âu.
Đảng Trung hữu OVP của Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz ủng hộ kế hoạch chặn lại các tuyến đường tị nạn vào châu Âu thông qua khu vực phía Tây Balkan và khắp vùng Địa Trung Hải.
Ngoài ra, chính khách trẻ tuổi này cũng ủng hộ lệnh cấm đeo mạng che mặt của người Hồi giáo và cam kết sẽ trừng trị thẳng tay các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Ông Kurz chủ trương cắt giảm những ưu tiên cho người di cư, trong khi các đối tượng là công dân thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) sống trong nước có nhận được đặc quyền như công dân Áo hay không, cũng trở thành một chủ đề nóng.
Chính sách ít hấp dẫn đối với người tị nạn của Áo sẽ một lần nữa trở thành tâm điểm tranh cãi trong nội bộ EU.