Chưa khi nào đời sống của con người lại bị chi phối bởi mạng xã hội như hiện nay. Nếu internet làm con người thay đổi cách tra cứu thông tin, thậm chí mua sắm, thì mạng xã hội làm được nhiều hơn thế, là thay đổi cả văn hóa và lối sống của chúng ta. Nếu internet chỉ giúp con người tìm kiếm thông tin nhanh hơn, thì mạng xã hội lại làm cho con người “chưng diện” mình lên trên nền tảng đó.
Chưa bao giờ con người dễ dàng thể hiện “bản lai diện mục” của mình nhiều và dễ như bây giờ. Chỉ cần một tài khoản mạng xã hội, là bao nhiêu điều “thâm cung bí sử” cá nhân, những điều riêng tư, đều có thể hiện diện trên đó. Nào là sống ở đâu, ăn gì, mặc như nào, cảm nghĩ ra sao, tất tần tật mọi thứ mang tính “thế giới cá nhân” đều hiển hiện trên nền tảng mạng xã hội.
Nếu internet là thành tựu khoa học của con người vào cuối thế kỷ XX, thì mạng xã hội lại hoàn toàn là đứa con công nghệ của thế kỷ XXI, gắn liền với thế hệ điện thoại thông minh. Ngày nay, bất cứ ai, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh và một tài khoản mạng xã hội, là có thể chụp hình, quay videos, và đăng tải lên trên nền tảng online ngay và luôn, miễn không vi phạm pháp luật.
Và thực tiễn đó, cũng như muôn vàn thành tựu khoa học – công nghệ khác, luôn có tính hai mặt.
Việc phát triển mạng xã hội với lợi ích kết nối cộng đồng, trao đổi, buôn bán, con người được có cơ hội “cất lên tiếng nói riêng tư”, được giải trí, và thậm chí là học tập ngay trên nền tảng đó. Những người không biết nấu ăn, có thể xem những nội dung về cách nấu ăn, và học hỏi. Trên nền tảng mạng xã hội, luôn có những nội dung liên quan (dù có thể là không quá chuyên biệt và chuyên sâu) để những người muốn tìm hiểu và khám phá tri thức, có thể dễ dàng tiếp cận. Với đặc tính đặc thù của mình, mạng xã hội là một kho chứa dữ liệu khổng lồ, của vô vàn nội dung. Nên gần như nội dung nào cũng có!
Tuy nhiên, ngoài việc ích lợi của mạng xã hội, thì còn có mặt trái. Như nội dung nhiều nhưng tạp nham, nội dung tốt có xấu có, nên người xem/đọc nội dung cần có một khả năng sàng lọc, nếu không, rất dễ tiếp nhận những kiến thức/thông tin sai, dẫn đến hậu quả khó lường. Ngoài việc tiếp nhận nội dung do người khác đăng tải, thì người dùng mạng xã hội cũng có thể đăng tải bất cứ nội dung gì. Chính điều này cũng nguy hiểm, khi một người không hiểu rõ về những điều được làm và không được làm trên không gian mạng, đăng những nội dung sai sự thật, có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Bên cạnh tích cực và tiêu cực mang tính “nhìn thấy được” kia, thì mạng xã hội còn mang lại những giá trị (cũng như mối hiểm nguy) không dễ dàng nhìn thấy được, như tình trạng bị nghiện dùng mạng xã hội. Bản thân mạng xã hội không phải là những chất kích thích mang tính vật lý (sinh lý) như thuốc lá, thuốc phiện, nhưng lại có khả năng gây “nghiện” cho người sử dụng. Sự “nghiện” ở đây mang nặng tính chất tâm lý (điều mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra).
Theo thống kê sơ bộ, thì tỉ lệ người dùng mạng xã hội bị nghiện là rất cao. Điều đó nói lên, rằng con người trong cuộc sống ngày nay rất dễ bị mất kiểm soát bản thân. Nhìn ngược lại thế kỷ XX, thời đại của truyền hình (tivi), khi mạng xã hội chưa ra đời, thì ít nhiều cũng có những thông tin về việc con người bị “nghiện tivi”, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong xã hội (đa phần ở thành thị).
Ngày nay, với việc dễ dàng sở hữu điện thoại thông minh, kèm với đó là việc rất dễ có tài khoản mạng xã hội, từ mọi lứa tuổi ở mọi nơi, thì số lượng người bị “nghiện mạng xã hội” là rất lớn. Nếu nói không quá, thì đó là một con số rất đáng báo động.
Mạng xã hội, từ chỗ nhằm giúp những cá nhân kết nối với nhau, để tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng, thì lại vô tình biến con người trở nên ngày càng cô độc hơn. Hình ảnh những cuộc gặp gỡ bạn bè, hoặc gia đình bên nhau, nhưng mỗi người một chiếc điện thoại, và cúi gằm vào chiếc điện thoại riêng tư đó, đã trở thành hình ảnh gần như quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Điều đó nói lên, rằng con người ngày càng cô lập (tự hoặc bị cô lập).
Điều đó đặt ra câu hỏi: Giữa thế giới thực và thế giới ảo, cái nào quan trọng hơn?
Có nhiều người từng kể với tôi, rằng họ không bao giờ gặp lại người đã từng mời họ đi cà phê, nhưng đến nơi chỉ biết nhìn mãi vào màn hình điện thoại, biến người hẹn gặp trở thành một người thừa.
Cuộc sống ngày nay, hơn bao giờ hết, ranh giới giữa ảo và thực rất mong manh. Nhưng dù có như thế nào, thì mỗi người cần nên biết tự đặt ra những giới hạn, những ranh giới cho riêng mình, để tránh những tình trạng bị nghiện mạng xã hội, hoặc suốt ngày chìm đắm vào thế giới ảo (mà nghĩ rằng đó là thế giới thực), quên đi sự hiện hữu cụ thể/vật lý của bản thân mình.
Nhìn từ trường hợp “Sư Thầy Thích Minh Tuệ”, nếu như cùng hành động đó mà diễn ra ở hai mươi năm trước (khi chưa có điện thoại di động và mạng xã hội), thì có lẽ, chẳng ai biết đến. Và hiển nhiên, cái sự biết đến này (thông qua mạng xã hội) cũng có tính hai mặt của nó. Có điều, chúng ta cần phân biệt được, đâu là ranh giới giữa ảo và thực. “Sư Thầy Thích Minh Tuệ”, về bản chất là một người bình thường chọn lựa tu hành theo Phật pháp một cách tự do!
Dù sao thì, mạng ảo chỉ là thế giới ảo. Ta không nên xem đó như là tất cả. Cuộc sống khôn ngoan nhất, vẫn là sự cân bằng cả hai. Những ai không biết đặt ra ranh giới (hay là nguyên tắc) cho việc tiếp cận “thế giới ảo”, thì hậu quả thật khó nói vậy.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.