Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa ban hành Thông tư số 36/2023/TT-BGTVT sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Số hiệu: Sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2024.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2024.
Đã phân nhóm rõ các loại ô tô khi thử nghiệm khí thải
Quy chuẩn mới của Bộ Giao thông vận tải đã phân nhóm rõ các loại ô tô chuyên dùng, ô tô chở người chuyên dùng và ô tô chở hàng chuyên dùng khi thử nghiệm khí thải; giải thích thêm một số thuật ngữ đối với xe hybrid (kết hợp sử dụng 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng và một mô tơ chạy điện); cập nhật mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe được thiết kế đáp ứng nhu cầu đặc biệt của xã hội.
Đồng thời, quy định mới cũng yêu cầu kỹ thuật của hệ thống chuẩn đoán (OBD) phải có thiết bị báo lỗi chức năng (MI); có khả năng lưu và xóa mã lỗi, khả năng xóa mã lỗi theo thiết kế của nhà sản xuất.
Quy chuẩn mới sửa đổi quy định về: Thử một số loại ô tô (ô tô con, ô tô tải, ô tô chuyên dùng, chở người chuyên dùng và chở hàng chuyên dùng) sử dụng nhiên liệu diesel; phương pháp thử nghiệm đối với xe ô tô sat xi có buồng lái.
Quy chuẩn mới cũng cập nhật việc khai báo các kiểu loại, mã linh kiện bằng cách sử dụng các ký tự đặc biệt thay thế đảm bảo khi cải tiến, nâng cấp linh kiện đối với một số chi tiết không ảnh hưởng đến khí thải; cập nhật thêm phương pháp xác định sức cản chuyển động của xe theo quy định của Ủy ban Châu Âu (EC)/Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên Hợp quốc (ECE) có mức tiêu chuẩn cao hơn TCVN 6785:2015.
Bên cạnh đó, bổ sung cách bố trí làm mát xe trong phòng thử đối với xe lắp động cơ phía sau và xe có kết cấu đặc biệt mà việc bố trí thông thường không bảo đảm làm mát xe theo yêu cầu.
Cụ thể, Quy chuẩn mới quy định, đối với xe lắp động cơ phía trước, quạt làm mát phải được đặt ở phía trước xe, cách mặt trước xe không quá 300 mm. Trường hợp xe lắp động cơ phía sau hoặc không bảo đảm làm mát hiệu quả thì quạt làm mát phải được bố trí để bảo đảm cung cấp đủ không khí làm mát xe.
Cùng đó, Quy chuẩn mới làm rõ quy định về chạy thuần hóa đối với xe sử dụng động cơ cháy cưỡng bức; sửa đổi một số nội dung liên quan đến việc kiểm tra, thử nghiệm OBD theo hướng giảm nhẹ, phù hợp với điều kiện Việt Nam; cập nhật nội dung xử lý kết quả thử nghiệm đối với xe ô tô nhập khẩu trên cơ sở tham khảo các quy định của quốc gia có phương thức quản lý xe cơ giới tương đồng với Việt Nam; làm rõ một số nội dung liên quan đến mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải, theo đó, các kiểu loại xe được sản xuất từ xe cơ sở thuộc kiểu loại xe đã được thử nghiệm khí thải thì không phải thử nghiệm lại khí thải.
Quy chuẩn mới đã khắc phục được những bất cập của QCVN 109:2021/BGTVT, ban hành kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BGTVT trước đây.
Trong đó, có nhiều ý kiến khác nhau trong việc áp dụng QCVN 109:2021/BGTVT đối với xe ô tô chuyên dùng mặc dù Tiêu chuẩn châu Âu (ECE) vẫn coi loại xe này là các loại xe tải (xe loại N) hay mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe được thiết kế đáp ứng nhu cầu đặc biệt của xã hội chưa cập nhật so với các bản sửa đổi, bổ sung của ECE R83 dẫn đến không nhất quán cách áp dụng đối với các xe được nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
Ngoài ra còn gặp vướng mắc đối với một số loại ô tô, ô tô hybrid sử dụng nhiên liệu diesel loại M1, M2, N1, N2 có kết cấu, công nghệ hiện đại như ô tô con, ô tô tải VAN, ô tô tải Pickup, ô tô chuyên dùng có khối lượng chuẩn lớn hơn 2.610 kg.
Theo QCVN 109:2021/BGTVT, đối với các loại xe ô tô có khối lượng chuẩn lớn hơn 2.610 kg, sử dụng nhiên liệu diesel thì mẫu thử nghiệm là động cơ.
Như vậy, đối với xe nhập khẩu, sẽ phải tháo động cơ từ xe nhập khẩu nguyên chiếc ra để thử nghiệm khí thải khiến việc bảo đảm cho động cơ hoạt động bình thường như lắp trên xe hay việc lắp lại động cơ sau khi thử nghiệm xong sao cho bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như mới gặp nhiều khó khăn.
Một số loại xe ô tô không phải thử nghiệm lại khí thải
Các trường hợp không phải thử nghiệm lại khí thải bao gồm các kiểu loại xe ô tô hoặc động cơ xe ô tô đã được cấp Báo cáo thử nghiệm khí thải phù hợp với QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới;
Các xe ô tô được sản xuất tại Việt Nam từ xe ô tô cơ sở (từ xe ô tô sát xi hoặc từ xe ô tô hoàn chỉnh) đã được cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (xe sản xuất, lắp ráp trong nước) hoặc được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (xe nhập khẩu).
Báo cáo thử nghiệm khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới
Về xử lý kết quả thử nghiệm, đối với mẫu thử được lấy trong quá trình kiểm tra giám sát khí thải xe khi sản xuất, lắp ráp hàng loạt, việc xử lý kết quả được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Phần III Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 109:2021/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BGTVT .
Đối với mẫu thử là xe nhập khẩu hoặc động cơ của xe nhập khẩu: khi thử nghiệm lần tiếp theo, xe hoặc động cơ cần được chạy rà để đưa về điều kiện kỹ thuật tốt trước khi thử.
Lập báo cáo thử nghiệm: Cơ sở thử nghiệm phải lập báo cáo thử nghiệm khí thải có nội dung ít nhất bao gồm các điều quy định trong Phụ lục B, Phụ lục D và Phụ lục E Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 109:2021/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BGTVT tương ứng với từng loại thử nghiệm và tiêu chuẩn áp dụng.
Tuệ Minh