Dù công nghệ thông minh đến đâu, rồi cũng có lúc hỏng hóc. Vậy khi dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC) mắc lỗi (tính tiền sai), chủ phương tiện sẽ gặp ai để khiếu nại?
Ai bảo vệ quyền lợi khách hàng
Về cơ bản, thẻ E-Tag là sản phẩm giống như thẻ ATM. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ khách hàng khởi kiện ngân hàng, lý do vì tiền của họ tự nhiên bị “bốc hơi” trong tài khoản một cách đáng ngờ. Kết quả giải quyết các vụ kiện, khách hàng thường nhận phần thua thiệt. Tiền mất, tật mang, khách hàng mất tiền bạc nhưng không biết tỏ cùng ai?
Quay lại trường hợp chủ phương tiện dùng thẻ E-Tag, nếu xảy ra tranh chấp do lỗi của máy móc công nghệ (tính tiền sai), thì trách nhiệm thuộc về ai: Ngân hàng, chủ đầu tư trạm thu phí, hay doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẻ E-Tag?
Ông Lê Hoài Huynh (Hà Nội) tỏ ra lo lắng: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẻ E-Tag, ngân hàng và chủ đầu tư trạm thu phí đều nói rất hay về công nghệ mới này. Thế nhưng, chưa thấy ai đề cập đến chuyện khi có tranh chấp xảy ra, thì ai có trách nhiệm giải quyết”.
Trả lời băn khoăn của ông Huynh và nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông, luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nêu ý kiến: “Tranh chấp xảy ra, chúng ta cần xác định lỗi ở giai đoạn nào (trạm thu phí, hay ở ngân hàng). Lỗi ở đâu, thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm khắc phục thiệt hại cho khách hàng. Nếu không giải quyết được, khách hàng có thể khởi kiện ra tòa án (vụ án dân sự)”.
Để bảo vệ quyền lợi chủ phương tiện, luật sư Lam Hồng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý, điều chỉnh lĩnh vực còn khá mới mẻ này.
Ông Trương Công Đức- Phó Giám đốc công ty TNHH Vũ Gia luật cho rằng, tranh chấp xảy ra không nằm ngoài 2 nguyên nhân: “Lỗi hệ thống trục trặc hoặc do thẻ E-Tag bị hư hỏng, gây thiệt hại cho chủ phương tiện, trách nhiệm thuộc về các bên liên quan. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẻ E- Tag giữ trách nhiệm chính”.
Đích cuối cùng là Tòa án
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, bà Vương Thị Huyền Trang- Trưởng Ban truyền thông liên danh Tasco-Vetc cho biết: Liên danh Tasco-Vetc thuân thủ theo đúng quy định bảo trì, bảo dưỡng của các nhà sản xuất đối với thiết bị tại trạm (bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ 1 tháng- 3 tháng/lần theo từng loại thiết bị và quy định của nhà sản xuất không bao gồm bảo trì lau rửa không giới hạn…). “Do đó, đây là dịch vụ “trả trước”. Người sử dụng nạp tiền vào tài khoản giao thông của mình, sử dụng dịch vụ nên số dư tài khoản không nhiều. Việc trừ sai tiền của khách hàng đều được hậu kiểm chặt chẽ. Nếu có sai sót, nhà cung cấp dịch vụ- liên danh Tasco- Vetc sẽ chịu trách nhiệm”. Bà Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ được cung cấp 1 tài khoản để truy vấn số dư của mình trong hệ thống dịch vụ này. Bằng công cụ đó, khách hàng sẽ theo dõi và quản lý chặt chẽ các lần giao dịch thực tế, cũng như số tiền trừ thực tế của chính xe của mình. Hơn nữa, theo thỏa thuận mở tài khoản thu phí tự động Vetc (Điều 5 giải quyết tranh chấp) nghi rõ: “Nếu có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh hoặc liên quan đến việc mở, sử dụng và quản lý tài khoản Vetc, thì chủ tài khoản Vetc trước hết sẽ cùng nhau giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành, các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra Tòa án có thẩm quyền ở Việt Nam để giải quyết”.
Thời gian qua, báo chí đăng tải nhiều trạm BOT có dấu hiệu gian lận vé thu phí, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Nếu áp dụng công nghệ ETC, tin rằng các trạm BOT sẽ đẩy lùi vấn nạn này. Theo ghi nhận của PV báo Người đưa tin, mặc dù ETC mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh trạm thu phí, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư trạm BOT vẫn thờ ơ với công nghệ mới này.
Thiên Long