Áp giá sàn vé máy bay: Hãng lo thị phần, chỉ người tiêu dùng thiệt

Áp giá sàn vé máy bay: Hãng lo thị phần, chỉ người tiêu dùng thiệt

Vũ Phương

Vũ Phương

Thứ 4, 05/04/2017 16:01

Đi ngược lại nguyên tắc kinh tế thị trường mới áp dụng giá sàn vé hàng không, trên thế giới không nước nào áp dụng như vậy. Hãy để thị trường quyết định giá vé.

Tiêu dùng & Dư luận - Áp giá sàn vé máy bay: Hãng lo thị phần, chỉ người tiêu dùng thiệt

Người thu nhập thấp lo ngại áp giá sàn vé hàng không sẽ "bức tử" hàng không giá rẻ.  

Mới đây, một số hãng hàng không gồm Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific đã kiến nghị bộ Giao thông vận tải áp giá sàn vé máy bay để kiềm chế tình trạng phát triển nóng của ngành hàng không, tăng chất lượng dịch vụ và tăng thêm lợi nhuận thu về cho các hãng hàng không để tái đầu tư.

VNA đã đưa ra khung giá xây dựng dựa trên cơ sở chi phí biến đổi, chi phí thiết bị bay. Cụ thể, giá trần sẽ là 4,2 triệu đồng/vé, giá sàn sẽ là 1,54 triệu đồng/vé.

Tuy nhiên, ngay khi thông tin đề xuất việc áp giá sàn vé hàng không nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận và bày tỏ lo ngại trước việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng bay làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nhu cầu của người tiêu dùng.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Việc có giá sàn vé máy bay nội địa sẽ triệt tiêu vấn đề cạnh tranh. Những hãng bán vé giá rẻ bởi chi phí hoạt động của họ thấp. Nếu áp dụng giá sàn thì các hãng này không thể chào mời giá vé thấp hơn giá sàn được.

Việc áp dụng này rõ ràng chỉ có lợi cho người cung cấp sản phẩm dịch vụ bay hơn là có lợi cho người sử dụng sản phẩm. Điều này sẽ làm thiệt hại cho người tiêu dùng.

Hiện chúng ta áp mức giá trần giá vé máy bay là hợp lý và cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng không phải mua giá vé quá cao. Còn áp giá sàn có nghĩa người tiêu dùng không được hưởng giá vé máy bay thấp hơn giá sàn. Tôi đã đi nhiều, nhưng không nước nào trên thế giới áp giá sàn vé máy bay cả”.

Tiêu dùng & Dư luận - Áp giá sàn vé máy bay: Hãng lo thị phần, chỉ người tiêu dùng thiệt (Hình 2).

TS. Nguyễn Trí Hiếu.  

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết: “Sở dĩ hãng bay bán vé giá rẻ bởi họ giảm được chi phí hoạt động. Trong hàng không, chi phí cho một ghế máy bay là tiêu chí để họ định giá vé như thế nào. Trong đó, chi phí lớn nhất là nhiên liệu.

Nếu họ có nguồn nhập nguyên liệu giá rẻ và năng suất của hãng cao thì sẽ giảm được chi phí. Bên cạnh đó doanh nghiệp giảm được chi phí về nhân lực, bảo hành, marketing,... Mỗi hãng máy bay có nhiều cách để giảm chi phí nên có thể giảm giá vé để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Còn hãng máy bay chi phí cao thì khó có thể giảm giá vé được. Với những hãng này thì họ mong muốn có mức giá sàn nhằm bảo vệ thị phần của họ vì tính cạnh tranh bản thân những doanh nghiệp này không cao.

Giao thông hàng không, vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Nói như vậy để hiểu vé máy bay giá rẻ ở đây không có nghĩa là họ dùng máy bay kém chất lượng, thiếu an toàn. Bởi chỉ cần một sự cố nhỏ ảnh hưởng đến an toàn bay, các hãng sẽ phải chịu thiệt hại vô cùng lớn. Bởi vậy, không có hãng máy bay nào đẩy giá vé xuống thấp, đồng thời giảm độ an toàn cho khách hàng”.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc áp dụng giá sàn là đi ngược với nguyên tắc kinh tế thị trường. Bởi, giá dịch vụ, sản phẩm rẻ phù hợp với chi phí sản xuất của một doanh nghiệp. Đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay là không hợp lý và không có lợi cho người dân, nhất là những người thu nhập thấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng so sánh giá vé máy bay hiện tại với thu nhập bình quân trên đầu người của người dân: “Thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam khoảng trên 2.000 USD/năm. Mức thu nhập bình quân này so với thế giới là khá thấp. Trong khi đó, áp giá sàn vé máy bay 1,54 triệu đồng/vé sẽ chiếm tỷ lệ khá lớn so với thu nhập bình quân của người dân.

Thực tế, mấy năm trở lại đây, nhờ các hãng bay giá rẻ, người thu nhập thấp mới có điều kiện đi lại bằng máy bay. Điều đó thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển hơn".

Trong khi đó, các công ty hoạt động lĩnh vực du lịch cũng lo ngại áp giá sàn vé máy bay nội địa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch.

Tiêu dùng & Dư luận - Áp giá sàn vé máy bay: Hãng lo thị phần, chỉ người tiêu dùng thiệt (Hình 3).

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hãy để thị trường quyết định giá vé hàng không thay vì áp đặt. 

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đặng Ngọc Vẻ, Giám đốc công ty phát triển thương mại và du lịch Việt Nam cho rằng: “Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa là không phù hợp với tình hình thực tế thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay.

Rõ ràng việc áp giá sàn sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng bay, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có nhu cầu người dân đi du lịch bằng máy bay.

Áp giá sàn đồng nghĩa với việc không còn vé máy bay giá rẻ, người dân sẽ ít đi lại hơn. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam.

Thực tế mấy năm gần đây, giá vé máy bay được nhiều hãng bay đưa ra các mức giá khá rẻ, người Việt có thể đi du lịch, đi lại bằng máy bay nhiều hơn, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước. Bởi vậy, hãy để thị trường quyết định giá vé sẽ tốt hơn".

Vũ Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.