Tuần vừa qua, chỉ số VN-Index ghi nhận giảm mạnh nhất 4 tháng trở lại và động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn.
Chỉ số VN-Index giảm mạnh
VN-Index chốt phiên cuối tuần ngày 3/12 tại 1.443,32 điểm, giảm 2,61%, tương ứng gần 39 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong hơn bốn tháng qua. Điều này đưa chỉ số trở lại vùng giá ở thời điểm đầu tháng 11. Lần gần nhất chỉ số mất trên mức này là ngày 19/7 khi rơi 4,29%, tương ứng 56 điểm.
Toàn sàn HoSE có tới 415 mã giảm giá, trong khi chỉ có 61 mã tăng giá và 31 mã đứng giá. Sàn HoSE cũng không có nhóm cổ phiếu nào nổi bật, đóng vai trò bệ đỡ để tránh một phiên giảm sâu.
Sàn HNX giảm 8,96 điểm xuống 449,27 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 159,1 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 4.149,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 207 mã tăng giá, trong khi chỉ có 62 mã tăng giá và 28 mã đứng giá.
Sàn UpCom giảm 2,44 điểm xuống 112,11 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 203,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.857,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 185 mã tăng giá, 292 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.
Quan sát cho thấy, nhóm ngân hàng là tác nhân chính khiến thị trường chịu áp lực điều chỉnh trong phiên. Riêng nhóm này đã lấy đi gần 12 điểm của VN-Index. Các nhóm ngành chủ đạo như tài chính, công nghiệp, bất động sản, nguyên vật liệu đều ghi nhận mức giảm sâu từ 2% trở lên.
Thanh khoản thị trường nhảy vọt bởi áp lực bán ra. Giá trị giao dịch đạt hơn 32.800 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua. 10 cổ phiếu dẫn đầu về giá trị khớp lệnh đều ghi nhận tình trạng giá đảo chiều từ tăng hoặc tham chiếu thành giảm sâu. SSI dẫn đầu bảng xếp hạng thanh khoản khi khớp lệnh hơn 2.350 tỷ đồng, tiếp đến là GEX với 1.150 tỷ đồng và HPG với 1.050 tỷ đồng.
"Chỉ số Vn-Index sẽ còn giảm tiếp"
Trao đối với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám Đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết, thực tế những rủi ro trên thị trường chứng khoán đã tiếp diễn 2 tuần nay.
Theo ông Minh, nguyên nhân trực tiếp khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh là thanh khoản đã có phần giảm sút, thị trường bắt đầu có dấu hiệu đi ngang. Bên cạnh đó, độ rộng của thị trường có xu hướng thu hẹp dần. Lượng thu hẹp này tập trung ở nhóm cổ phiếu đầu cơ có vốn hóa vừa và nhỏ.
"Lượng margin đều ở nhóm này chủ yếu và khi không bán được cổ phiếu thì nguyên tắc của việc quản lý rủi ro là nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu khác trong danh mục khách hàng. Điều này dẫn đến hiệu ứng domino giảm đồng loạt vào phiên cuối tuần vừa rồi" - ông Nguyễn Thế Minh cho hay.
Giám Đốc phân tích Chứng khoán Yuanta cũng chỉ ra nguyên nhân gián tiếp dẫn đến điểm số giảm mạnh là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước thông tin về biến chủng Omicron.
"Thị trường chứng khoán trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Châu Á các chỉ số trong tuần qua đều giảm nhưng Việt Nam giữ đà tăng tốt và chỉ xảy ra hiện tượng giảm cho đến cuối tuần vừa rồi" - ông Minh nói.
Còn ông Chu Tuấn Linh - Phó giám đốc khối IB, Công ty Chứng khoán An Bình lại cho rằng chỉ số VN-Index đi xuống trong phiên cuối tuần do dòng vốn bị ngân hàng hút bớt về, đảm bảo các chỉ số thanh khoản cuối năm để báo cáo với cơ quan Quản lý Nhà nước.
"Giờ là tháng cuối năm 2021, đến quý I/2022, dòng tiền sẽ bung trở lại" - ông Linh trao đối với Người Đưa Tin.
Ông Chu Tuấn Linh cho rằng tuần tới, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Ông cho rằng trước đây các nguyên nhân giảm chỉ số Vn-Index chưa rõ nét, sau 1-2 phiên giảm có thể hồi lại nhưng hiện dòng vốn hút về khoảng một tháng, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý đón phiên giảm điểm tiếp theo.
"Nếu mã nào có lãi nên bảo toàn thành quả, xem xét ra bớt" - Phó Giám đốc khối IB Chứng khoán An Bình nói.
Ông Nguyễn Thế Minh cũng cho rằng chỉ số VN-Index trong tuần tới sẽ giảm tiếp về vùng hỗ trợ tâm lý là 1400 điểm.
"Trước mắt, xu hướng có chiều hướng xấu, nhà đầu tư nên cơ cấu giảm dần cổ phiếu, mức nắm giữ nên từ 35-40% danh mục của mình. Đặc biệt, nhà đầu tư có lượng margin cao nên hạ bớt và đặc biệt không nên mua bắt đáy thời điểm tới. Rủi ro nếu mua bắt đáy rất lớn, danh mục sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực" - ông Minh nói.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng
Bên cạnh áp lực bán từ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường khi bán ròng tới hơn 3.300 tỷ đồng trong tuần qua.
Tính chung trên cả 3 sàn HoSE, HNX, Upcom trong 3 phiên đầu tháng 12, khối ngoại đã bán ròng 91,2 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 3.304,91 tỷ đồng, tăng 3,88% về lượng và tăng 4,42% về giá trị so với tuần trước đó. Trong đó, trên sàn HoSE, khối ngoại thực hiện 5 phiên bán ròng liên tiếp. Trong khi đó, trên sàn HNX, khối ngoại thực hiện 4 phiên bán ròng và chỉ 1 phiên mua ròng duy nhất ngày 30/11.
11 tháng đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng tổng gần 56.000 tỷ đồng. Đầu tháng 12, khối ngoại tiếp tục đẩy bán ròng, phiên 1/12 nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.120 tỷ, phiên ngày 2/12 là 730 tỷ. Phiên ngày 3/12 ghi nhận khối ngoại bán ròng 403,44 tỷ đồng.
Ông Chu Tuấn Linh chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng do cần đánh giá lại vai trò của thị trường Việt Nam trên toàn cầu.
"Việt Nam hiện được xét là thị trường cận biên nên nhà đầu tư nước ngoài muốn tái cơ cấu đầu tư, tập trung đầu tư vào những thị trường cao cấp hơn" - ông Linh nhận định. Ông nói thêm: "Không chỉ thị trường Việt Nam mà các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia cũng xảy ra hiện tượng khối ngoại bán ròng tăng".
Nguyên nhân tiếp theo, ông Linh cho rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa rồi lại ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Các nhà đầu tư có xu hướng phòng thủ - muốn rút tiền mang về, điều này dẫn đến đà bán ròng. Cuối cùng, ông Linh cho hay thị trường Mỹ hiện nhen nhóm thông tin sớm tăng lãi suất, thu hút dòng vốn quay về nước Mỹ nên trong tuần qua đã bán hơn 3.300 tỷ đồng. "Thời gian tới, xu hướng khối ngoại bán ròng vẫn tiếp diễn" - ông Linh nói.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, thực tế thống kê 2 năm gần đây cho thấy nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng mạnh trong quý IV.
"Nhìn lại từ năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh - là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Các quỹ đang đạt được tỉ suất sinh lời ổn và đó là cơ hội để các quỹ tổ chức thực hiện việc bán ra, cơ cấu lại danh mục và chốt lời" - ông Minh lý giải động thái bán ròng mạnh trong tháng vừa qua, đặc biệt là tuần đầu tháng 12.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng biến chủng Omicron mới xuất hiện cũng làm gia tăng sự lo ngại trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư 2 năm trở lại đây.