Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông với sức gió giật mạnh nhất tới cấp 8-9 đang hướng vào miền Trung.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 1h ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 230 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến ngày 11/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 350 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 5, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,0-3,5m; biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): phía Bắc vĩ tuyến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và có khả năng mạnh thêm.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và diễn biến mưa lũ lớn trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai– Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận và Tây Nguyên; các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung.
Hiện miền Trung đang hứng chịu mưa lũ lớn, có nơi mưa đặc biệt to với lượng mưa 200-500 mm/24 giờ.
Theo Văn phòng Thường trực ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở khu vực Trung Bộ từ ngày 6/10 - 8/10 đã làm 37 xã bị ngập sâu, chia cắt cục bộ, 11 người chết và mất tích.
Các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 3.250 hộ với 10.994 người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Nguyên Anh