Hồi 7h ngày 17/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 200km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 18/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa, cách đảo Phú Quý khoảng 530km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông khu vực giữa và Nam Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, từ chiều nay gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đi qua cấp 7, giật cấp 9. Biển động mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, khu vực chịu ảnh hưởng của bão sẽ là các tỉnh Nam Trung Bộ đến Nam Bộ - nơi cơn bão số 12 vừa càn quét. Các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre cần đặc biệt chú ý đề phòng.
Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ra công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông báo cho các chủ tàu, thuyền biết hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.
Giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu, thuyền; chuẩn bị sẵn các phương tiện, lực lượng cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra.
Thành Huế