Tại Bình Định, do nước lũ lên nhanh và bất ngờ, sáng 15/11, trong lúc đi thả bò, anh Trần Thanh Giản, 17 tuổi, ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) bị nước lũ bất ngờ đổ về, cuốn trôi. Đến 10h, người dân và chính quyền địa phương mới vớt được xác nạn nhân. Nhiều xã, thị trấn ngập sâu trong nước, toàn huyện Hoài Ân có đến 2.313 nhà dân bị ngập nước.
Chiều cùng ngày, trên địa bàn huyện Vân Canh lại có thêm một trường hợp mất tích do lũ cuốn, nạn nhân tên Điền, 28 tuổi ở thôn An Long 1, xã Cam Vinh. Mưa lũ cũng làm sạt lở và ngập đường tránh trên tuyến tỉnh lộ ĐT 638 khiến giao thông bị ách tắc, hơn 2.000 hộ dân bị nước lũ chia cắt.
Tính đến chiều ngày 15/11, các huyện vùng miền núi và trung du gồm Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão đều ngập sâu trong biển nước. Còn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn lũ lớn đã chia cắt nhiều vùng trũng tại địa phương.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, lũ lớn làm sạt lở nhiều tuyến đường. Trong đó tuyến đường từ xã Vĩnh Kim đến Vĩnh Sơn không đi lại được vì bị sạt lở nặng và bị ngập nước. Làng O3, xã Vĩnh Kim bị nước cô lập hoàn toàn, trong đó 3 ngôi nhà bị sập.
Nước lũ dâng cao tận nóc nhà ở khu vực Diêu Trì. Ảnh: Văn Minh
Tình trạng tương tự xảy ra ở các huyện miền biển như Tuy Phước, Hoài Nhơn. Nước lũ còn cô lập 100 hộ dân ở thôn Cảnh An, xã Phước Thanh và hơn 20 hộ dân thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì. Tại Tuy Phước, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh và mạnh làm cho một số đoạn đê sông Hà Thanh khu vực dưới cầu Diêu Trì bị vỡ. Nước tràn mỗi lúc một cao, nhấn chìm hệ thống đường ray khu vực ga Diêu Trì (thị trấn Diêu Trì) làm tuyến đường sắt Bắc Nam hướng vào tỉnh Phú Yên bị tê liệt.
"Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện đã có 3 đoàn tàu mang số hiệu SE21, SE1, TN1 phải dừng tại ga. Ga Diêu Trì không bị ngập lụt, song tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định) bị hư hỏng, ngập nước phải chờ khắc phục. Khi thông đường các đoàn tàu mới có thể hoạt động", ông Lê Đình Thọ, Trưởng ga Diêu Trì cho biết.
Nước bất ngờ dâng cao khiến 25.000 người dân Quảng Ngãi phải chạy lũ. Ảnh: Trí Tín
Tại Quảng Ngãi, sáng nay áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kèm lốc xoáy bất ngờ đã hất văng em Vương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 5C, trường tiểu học Nghĩa Hành (huyện Nghĩa Hành) đang trên đường đi học xuống vực khiến em bị chết đuối.
Lũ tràn về khiến nhiều khu vực ở địa phương này đang bị cô lập, 25.000 người đã phải chạy lũ. Nhiều tuyến đường, khu dân cư ở các xã Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy, Sơn Kỳ, Sơn Ba của huyện miền núi Sơn Hà bị ngập khiến 3.000 học sinh ở đây phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ở huyện miền núi Ba Tơ, nước lũ gây ngập sâu, cô lập 6 hộ dân ở thôn Mang Đen, xã Ba Vì. Còn tại huyện Sơn Tây, mưa gió lớn tiếp tục gây sạt lở núi nghiêm trọng, tắc nghẽn giao thông trên nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã.
Tại Gia Lai, mưa lớn từ đêm qua làm nước ở các sông suối dâng cao. Khoảng 5h30 sáng nay, 2 cô giáo đang trên đường đi dạy khi đi đến ngầm tràn qua suối Tà Nang ở thôn 10, xã Đông, huyện Kbang đã bị nước cuốn trôi. Hiện thi thể một người đã được tìm thấy.
Tại Phú Yên, hàng nghìn người dân cũng đang chạy đua với nước lũ do mưa lớn, nước sông lên nhanh gây ngập nhiều nơi. Tại huyện Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu La Hai trên 1m, hàng trăm người qua lại phải đi trên đường sắt. Xe buýt, xe tải nằm kẹt hai bên đầu cầu.
Cũng do nước lũ lên nhanh nên cầu Suối Tía (xã Xuân Phước) ngập sâu trên 1m, hàng nghìn học sinh ở các trường tiểu học, THCS xã Xuân Phước và Xuân Quang 3 phải nghỉ học. Khu vực Cầu Chùa (xã Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân), nước ngập sâu gần 1m và vẫn tiếp tục lên cao, người dân sống gần khu vực này phải cơi nới tủ bàn, đồng thời vận chuyển các vật dụng ti vi, tủ lạnh chạy vào Xóm Gò (Xuân Sơn Nam) tránh lũ.
Nước sông Kỳ Lộ dâng cao gần ngập cầu La Hai. Ảnh: Chí Phan
Tại huyện Tuy An, đoạn cầu Cây Cam từ xã An Định đi xã An Nghiệp, nước ngập sâu trên 0,5m. Riêng tuyến đường từ ĐT 641 đi qua thôn Định Trung 2 (xã An Định), nước lũ ngập sâu gần 1m. Nước chảy xiết cũng đã làm vỡ bờ bao Suối Tre, xã Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu), nhiều nhà dân cạnh khu vực này bị nước lũ cuốn đất đá, cát bồi lấp vào nhà. Chính quyền xã này cho biết đã có 2 ngôi nhà bị xiêu vẹo.
Ngoài ra, cơn mưa lớn từ đêm qua cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở nhiều nơi. Khoảng 6h30, một khối đá nặng hàng tấn từ trên núi bất ngờ đổ xuống đường ray xe lửa khi đoàn tàu chở gần 500 người đang lao tới. Tàu không kịp dừngđã khiến phần đầu máy nặng hàng chục tấn đâm vào đá, trật bánh khỏi đường ray.
Rất may toàn bộ hành khách, lái tàu, nhân viên phục vụ đều an toàn. Tuy nhiên, giao thông đường sắt đã bị ách tắc nhiều giờ. Hàng nghìn hành khách trên những chuyến tàu khác phải chờ đợi tại các ga hai bên Đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.
Theo VnExpress