Đây là sự kiện APEC quan trọng nhất mà Việt Nam tổ chức trong năm nay, với sự phối hợp của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), theo lời Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.
Phó Thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị.
Tham dự hội nghị lần này có các khách mời cao cấp như nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, nguyên bộ trưởng Ngoại giao Australia Alexander Downer, tiến sỹ Nagesh Kumar - kinh tế trưởng kiêm giám đốc Văn phòng Nam - Tây Nam Á, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP). Hội nghị cũng có sự góp mặt của khoảng 120 đại biểu trong và ngoài nước đến từ các nước thành viên APEC, các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan như SOM APEC, ABAC, UN, UNDP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này đối với Việt Nam nói riêng và cộng đồng APEC nói chung. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nêu lên những cơ hội và thách thức chung mà các nước thành viên APEC phải đối mặt trong giai đoạn sắp tới.
Bộ trưởng nhận định “APEC đang bước vào một giai đoạn có ý nghĩa then chốt, với những cơ hội to lớn để gia tăng tiềm lực và vị thế quốc tế. APEC hội tụ đầy đủ các trung tâm kinh tế lớn của hai bờ Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 chưa được phục hồi vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vòng đàm phán Đô-ha còn trì trệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức đối với nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển bền vững của các nước trong khu vực.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị “APEC trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21”.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nagesh Kumar đã trình bày bài phát biểu của tiến sỹ Noeleen Heyzer, phó tổng thư ký Liên hợp quốc, thư ký Điều hành ESCAP. Theo đó, châu Á cần đầu tư chung vào sự phát triển thịnh vượng, giảm đói nghèo, thực hiện các giải pháp phát triển công nghệ, khuyến khích sáng tạo. Đồng thời, các nước cũng cần tích cực chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau trước những rủi ro về lương thực, nguồn lực, …
Trong hai phiên làm việc của Hội nghị, các đại biểu trong và ngoài nước cũng bàn về vai trò và triển vọng của APEC, việc triển khai các Mục tiêu Bô- go và xu thế liên kết kinh tế khu vực; sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong 15 năm qua; đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam trong APEC và các tầng nấc liên kết kinh tế khu vực.
Đáng chú ý, tại Hội nghị lần này, tất cả các diễn giả cũng như các đại biểu thảo luận đều tỏ rõ mối quan ngại về hiện tượng thay đổi khí hậu song song với tình trạng khủng hoảng kinh tế. Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, “Thay đổi khí hậu không chỉ là hiện tượng tự nhiên, mà đó còn là một hiện tượng chính trị, xã hội.”
Bài học từ siêu bão Haiyan mới xảy ra tại Philippines đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các tổ chức, các quốc gia phải bắt tay hành động để ngăn chặn những thảm họa khốc liệt này.
Ngoài ra, hội nghị cũng hướng mục tiêu nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương Việt Nam về xu thế liên kết kinh tế khu vực, xây dựng định hướng chuẩn bị cho Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017.
Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI” đã kết thúc sau hơn 4h làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Các đại biểu nước ngoài đều có lời cảm ơn sự tiếp đón nhiệt tình của nước chủ nhà Việt Nam, đồng thời bày tỏ hi vọng vào sự thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2017.
Thùy Ngân