Theo đó, Apple dường như đã thuê một nhóm nhỏ các kỹ sư cơ sinh để làm việc với dự án nhằm mục đích theo dõi lượng đường (glucose) thông qua tiếp xúc với da, thay vì thông qua xét nghiệm máu hoặc các cơ chế tương tự.
Nhóm các kỹ sư này sẽ phát triển một bộ cảm biến tại văn phòng ở Palo Alto mà không phải ở trụ sở chính công ty. Họ dường như đã tham gia nghiên cứu cảm biến trong thời gian ít nhất 5 năm và được cho là thành công trong một số thí nghiệm. Bên cạnh đó, công ty cũng thuê các chuyên gia tư vấn giúp các kỹ sư điều chỉnh các thông số phức tạp.
CNBC nói thêm, nhóm nghiên cứu đang được quản lý bởi Johny Srouji, phó chủ tịch cấp cao trong lĩnh vực phần cứng tại Apple, thay cho Michael D. Hillman đã rời công ty vào năm 2015. Cũng theo CNBC, nhóm nghiên cứu bao gồm 30 người với các chuyên gia y sinh học được thuê từ các công ty lớn như Masimo Corp, Sano, Medtronic và C8 Medisensors.
Ý tưởng phát triển các thiết bị đeo giúp kiểm soát các bệnh như tiểu đường đã được phát triển trong quãng thời gian Steve Jobs đứng đầu Apple, nhưng phát triển công nghệ có thể đo chính xác lượng đường trong máu mà không xuyên qua da là một thách thức không hề nhỏ. John L. Smith, một chuyên gia về y sinh học cho rằng khả năng đo glucose không qua xét nghiệm máu hoặc cơ chế tương tự được cho là kỹ thuật khó khăn nhất mà ông từng gặp trong sự nghiệp của mình.
Apple không phải là công ty duy nhất tham gia vào dự án hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Google được cho là đang làm việc với thiết bị theo dõi lượng glucose riêng nhưng theo cách tiếp cận khác. Cụ thể, hãng sử dụng một ống kính có khả năng theo dõi lượng đường trong máu qua tiếp xúc với mắt. Ngoài ra công ty cũng phát triển một thiết bị được tạo ra từ nhóm Khoa học Đời sống.
Hiện chưa rõ khi nào bộ cảm biến của Apple hoàn tất và cũng không rõ liệu đến thời điểm nào công ty sẽ tung ra thiết bị riêng.
Kiến An