Theo đó, đơn kiện nộp lần đầu năm 2011, cáo buộc Apple vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ, trong khoảng thời gian từ 2007 – 2013 thông qua việc độc quyền bán ứng dụng iOS trên cửa hàng ứng dụng App Store của Apple.
Điều này có nghĩa, các nhà phát triển ứng bên thứ 3 sẽ không thể bán ứng dụng trên cửa hàng ứng dụng của chính họ một cách hợp pháp và Apple đã “bớt” đi 30% doanh thu cho mỗi lần người dùng mua ứng dụng. Chính vì vậy, giá các ứng dụng do Apple bán ra đã bị “đội” lên cao hơn mức bình thường.
Mark Rifkin, luật sư cho nguyên đơn (bên đi kiện), cho biết vụ việc không phải là một vụ kiện tập thể, nhưng ông có thể mở rộng phạm vi của nó để đưa tất cả mọi người đã mua ứng dụng iOS vào với tư cách là bên liên quan. Ông đánh giá việc này sẽ khiến Apple phải trả hàng trăm triệu USD tiền bồi thường cho người dùng và hàng triệu người dùng sẽ có cơ hội đòi lại 30% số tiền mà Apple đã “bớt” đi của họ khi mua ứng dụng.
Trước đó, đơn kiện này đã bị bác bỏ bởi một toà án cấp thấp và nay được đưa lên một toà án liên bang ở San Francisco. Ban đầu đơn kiện đã bị bác bỏ bởi lý do Apple lập luận, họ không bán ứng dụng mà bán dịch vụ phân phối phần mềm cho các nhà phát triển và trích dẫn phán quyết của toà án tối cao năm 1977 nói rằng, người tiêu dùng không được nhận lại tiền đền bù từ một công ty không trực tiếp bán sản phẩm cho họ.
Tuy nhiên, toà án liên bang tin rằng lập luận của Apple không đáng tin cậy, vì người dùng iPhone mua nội dung từ cửa hàng ứng dụng App Store, chứ không phải trực tiếp từ các nhà phát triển.
Thu Hà theo Phonearena