Một năm sau khi cho phép người dùng iPhone được đưa các khoản mua sắm của mình vào trong hoá đơn thanh toán tiền điện thoại, Apple nay đã mở rộng dịch vụ thanh toán này ra 7 thị trường ở châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Nhu cầu đã tăng trưởng rất nhanh tại Nga và Apple đã ký hợp đồng với một nhà mạng thứ 2 tại đây là MegaFon, trong khi đó Etisalat tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng mới tuyên bố mở dịch vụ thanh toán qua nhà mạng cho tất cả các mặt hàng giải trí.
Tháng 8 vừa qua, Apple cũng đã giới thiệu dịch vụ thanh toán qua nhà mạng với sự hợp tác của các nhà mạng tại Thuỵ Sĩ, Đài Loan, Nhật Bản và Arab Saudi.
Tính năng “thanh toán với nhà mạng” này cho phép khách hàng mua bài hát, trò chơi, sách và nhiều ứng dụng khác, sau đó đưa các khoản mua hàng này vào hóa đơn thanh toán tiền điện thoại thay vì thanh toán qua thẻ tín dụng. Ở các nước mà tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng thấp, thanh toán với nhà mạng là một công cụ hữu ích giúp thúc đẩy thương mại số.
Google đang dẫn đầu trong thanh toán di động khi đã ký kết hợp đồng dịch vụ này với các nhà mạng ở 45 quốc gia thông qua Play Store.
Theo công ty nghiên cứu Ovum, thị trường dịch vụ thanh toán với các nhà mạng dường như đang bùng nổ. Theo đó, dịch vụ đã tạo ra 3,2 tỷ doanh thu toàn cầu năm 2015, nhưng sẽ lớn gấp 40 lần như vậy vào năm 2020 để lên mức doanh thu 142 tỷ USD. Trở ngại lớn nhất hiện nay là mức phí cao mà các nhà mạng đòi hỏi để quản lý giao dịch so với mức phí thấp hơn của các tổ chức phát hành thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, mức phí này đang hạ xuống mức thấp hơn, tại điểm mà các cửa hàng trực tuyến có thể có lãi.
Châu Á – Thái Bình Dương vẫn chiếm phần lớn tổng doanh thu toàn cầu và dự đoán sẽ còn giữ vị trí thống trị trong một thời gian nữa.
Thu Hà theo CNBC