Bên cạnh trận chiến pháp lý với Samsung, Apple cũng còn những vụ kiện với Motorola (giờ đây đã thuộc về Google). Hồi tháng 3 năm ngoái, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) ra phán quyết rằng các thiết bị của Motorola không vi phạm bản quyền cảm ứng đa điểm do Apple nắm giữ, đồng thời hủy bỏ mọi cuộc điều tra sâu hơn về vấn đề này. Tuy nhiên Apple không đồng ý, hãng tiến hành nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Liên bang và lần này Apple đã thắng, buộc ITC phải tiến hành điều tra và giải quyết lại vụ việc.
Ba bằng sáng chế có liên quan đến vụ án này bao gồm: bản quyền '828 nói về việc "tạo các đường cong elip phù hợp với màn hình cảm ứng", bản quyền '430 đề cập đến "hệ thống định vị hướng đối tượng", và bản quyền '607 nói về "màn hình cảm ứng đa điểm". Phán quyết hồi năm ngoái của ITC nói Motorola không vi phạm bằng sáng chế '828, hai bằng sáng chế còn lại thì Motorola có vi phạm nhưng vì thuộc trường hợp ngoại lệ nên Motorola không bị tuyên là có tội. Riêng bằng sáng chế '607 còn bị ITC nói là không có hiệu lực. Các thiết bị nằm trong phạm vi vụ kiện hầu hết đều đã cũ và không còn bán trên thị trường, chẳng hạn như Droid X, tablet Xoom, Charm...
Quay trở lại với quyết định của Tòa án Liên bang hôm nay, tòa không đồng ý với ITC về phán quyến bằng sáng chế '607 là vô hiệu. Tòa cũng không chấp nhận cách mà ITC xây dựng các luận điểm để kết luận Motorola không sử dụng trái phép bản quyền '828. Hồ sơ vụ việc đã được trả về ITC và tòa yêu cầu cơ quan này phải bắt đầu một cuộc điều tra mới. Trong thời gian tới, nếu Apple thắng cuộc, hãng có thể yêu cầu cấm nhập khẩu những thiết bị nói trên, mặc dù chuyện đó không ảnh hưởng gì đến Motorola cả. Tuy nhiên, nếu quá nhiều sản phẩm bị tuyên vi phạm, ITC có quyền thêm vào một số thiết bị Motorola mới ra mắt gần đây vốn chưa hề xuất hiện lúc vụ án bắt đầu.
Cũng liên quan đến Motorola và Apple, hồi tháng 10 năm ngoái Motorola đã rút đơn kiện Apple từ ITC và hủy bỏ yêu cầu cấm nhập khẩu iPhone, iPad. Đây là một vụ án tách biệt với vụ cảm ứng đa điểm nói trên.
Hằng Giang