Sau khi từ chối tiếp nhận bảo hành tất cả các sản phẩm xách tay ở nước ngoài về Việt Nam không có hóa đơn, Apple vừa tiếp tục có động thái mới nhằm “siết” tình trạng bán hàng nhái thương hiệu tại thị trường được coi là tiềm năng.
Theo đó, Apple yêu cầu các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam dừng ngay việc sử dụng nhãn hiệu Apple, iPhone hoặc nhãn hiệu khác của công ty Apple Inc. mà không được phép của chủ sở hữu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động chính hãng Mai Nguyên nổi tiếng ở TP.HCM.
PV: Thưa ông, là một đại diện doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, ông có đánh giá như thế nào trước động thái mới này của Apple?
Ông Mai Triều Nguyên: Tôi thấy đây là việc hết sức bình thường. Trước đây, khi Apple chưa vào Việt Nam, họ “thả” thị trường, ai muốn làm gì thì làm, họ không quan tâm. Bây giờ, họ chính thức vào Việt Nam, việc làm "sạch sẽ" thương hiệu của họ là cần thiết. Việc các cửa hàng lấy thương hiệu của họ và dựng bảng hiệu tuỳ tiện mà chưa được phép là không được.
Rõ ràng với thương hiệu toàn cầu như Apple, đây là những việc làm cần thiết. Cũng như Gucci, Louis Vuitton, Rolex… với những thương hiệu lớn, việc làm này không khó hiểu.
PV: Cũng là một người kinh doanh điện thoại di động, ông có ý kiến thế nào trước việc các cửa hàng nhỏ lẻ dùng bảng hiệu quảng cáo khi chưa được phép của thương hiệu Apple?
Ông Mai Triều Nguyên: Rõ ràng là việc làm này không đúng. Không được cho phép mà dựng biển hiệu với logo của họ là sai. Bây giờ họ có thông báo yêu cầu gỡ thì mình phải gỡ thôi. Apple muốn làm thị trường đúng chuẩn mực thương hiệu, tôi nghĩ việc dọn dẹp chỉ là bước đầu. Chúng ta cùng chờ các bước tiếp theo của họ. Nhưng chắc chắn tất cả vì quyền lợi người tiêu dùng.
PV: Với chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại di động như Mai Nguyên Mobile, động thái lần này của Apple có ảnh hưởng tích cực, tiêu cực thế nào?
Ông Mai Triều Nguyên: Chúng tôi cũng là đại lý ủy quyền. Tôi nghĩ, động thái này giúp người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng Apple chính thức, đâu là không chính thức, đâu là địa điểm bán hàng tin cậy được họ uỷ quyền.
Các đại lý ủy quyền như chúng tôi lâu nay khá chật vật trong việc kinh doanh chính hãng. Chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt và khắt khe quy chuẩn và hợp đồng đã ký với Apple. Các cửa hàng chúng tôi không dám đặt logo Apple vì họ không cho đặt. Đâu phải cứ đại lý là được đặt. Kể cả đại lý được ủy quyền, ký kết chính thức nhưng Apple không cho đặt logo, biển hiệu cũng không được đặt.
Hơn nữa, việc đặt logo có kích thước như thế nào, đặt ở đâu, tỉ lệ bao nhiêu so với bảng hiệu, quy chuẩn, chuẩn mực, chất liệu, màu sắc, font chữ… thế nào là điều phải được xem xét kỹ. Thêm nữa, việc đặt biển hiệu cũng phải xem pháp luật Việt Nam có cho phép không, tức là phải xin phép Apple có cho phép không và phải xin phép quảng cáo của sở Văn hoá thông tin.
Với những cửa hàng đã nhận “thư báo” vi phạm của Apple, tôi nghĩ họ đều không có giấy phép ở cả hai mặt: Không được Apple cho phép và không được luật pháp Việt Nam chấp nhận cho quảng cáo. Kể cả khi được Apple chấp thuận, vẫn phải cầm giấy cho phép đó đến các cơ quan chức năng của Việt Nam để xin phép, không có chuyện muốn là làm. Như thế rõ ràng là vi phạm.
PV: Ông đánh giá thế nào về hàng trôi nổi của Apple ở thị trường Việt Nam hiện nay và ảnh hưởng của động thái lần này từ Apple tới các cửa hàng bán lẻ?
Ông Mai Triều Nguyên: Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng chắc chắn lượng hàng xách tay, các nguồn hàng không chính thức của Apple vào Việt Nam lâu nay rất lớn bởi hàng xách tay giá rẻ, không mất thuế, lại nhiều nguồn, hàng xách tay chính thức, hàng nhái, hàng “lên đời”… khó phân biệt.
Tuy nhiên, việc làm này của Apple mới chỉ bảo vệ hình ảnh của họ, còn việc kinh doanh “xách tay” hay chính hãng là việc của doanh nghiệp. Cửa hàng nào lợi dụng thương hiệu, Apple yêu cầu gỡ bảng hiệu. Tôi nghĩ chưa ảnh hưởng gì lớn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ.
Các cửa hàng cũng không có gì để tức giận hay phải buồn. Lâu nay, có thể họ làm mà không để ý hoặc thấy người khác treo biển hiệu Apple, họ cũng làm theo. Việc treo logo táo khuyết của Apple để bán sản phẩm dễ dàng, thu hút khách hàng. Bây giờ, các cửa hàng phải tìm hiểu kỹ, biết mình sai thế nào để thay đổi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Vài ngày qua, một số cửa hàng kinh doanh điện thoại ở TP.HCM và các tỉnh lân cận nhận được “Thư thông báo và khuyến cáo” từ công ty luật Võ Trần (VOTRA) - đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của Apple. Theo đó, nội dung của văn bản này đề cập đến việc các cửa hàng sử dụng biểu tượng quả táo cắn dở, tên gọi “Apple”, “iPhone” và những tên gọi khác như “Apple Store”, “App Store”, “iPad”, “iPod”, “MacBook” hiện đang được bảo hộ tại Việt Nam. Văn bản nêu rõ: “Dựa theo luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng các nhãn hiệu táo khuyết, Apple, iPhone hay bất kỳ nhãn hiệu nào khác của công ty Apple trên biển hiệu của cửa hàng hoặc trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh mà không được sự đồng ý của công ty Apple đều là hành vi sử dụng bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty Apple”. |
Dương Thu (thực hiện)