Nhật đã trở thành khu vực đem tới cho Apple nhiều lợi nhuận nhất và là nơi duy nhất Apple tăng trưởng lợi nhuận điều hành trong năm tài chính vừa qua.
Điều này là khá bất ngờ, bởi Nhật không phải là thị trường có thể đem tới nhiều lợi nhuận cho các công ty. Đất nước Mặt trời mọc đang chìm trong 2 thập kỷ kinh tế trì trệ, thậm chí sụt giảm, tỷ lệ dân số già ngày càng gia tăng. Ngoài ra, người Nhật với tinh thần tự hào dân tộc cao thường ưu tiên sử dụng các mặt hàng công nghệ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Lý do thành công của iPhone ở Nhật là bởi các chiến dịch marketing mạnh mẽ và việc được các nhà mạng đưa ra nhiều gói thuê bao hấp dẫn. iPhone nằm trong những thương hiệu quen thuộc được người Nhật ưa chuộng nhất, bên cạnh túi Louis Vuitton hay khăn Burberry.
“Thương hiệu của Apple cực mạnh ở Nhật. Nó không nằm ở thông số kỹ thuật hay các tính năng. Mà chỉ đơn giản là việc bạn có hay không sở hữu một chiếc iPhone.”, chuyên gia phân tích Eijji Mori cho hay.
Doanh số của iPhone vừa nhận một đòn bẩy mới, khi vào tháng 9 năm nay, nhà mạng lớn nhất Nhật Docomo bắt đầu cung cấp iPhone cho 61,8 triệu khách hàng của mình. Nhưng ngay cả khi không có Docomo, iPhone cũng là smartphone bán chạy nhất tại Nhật, với 37% thị phần, theo số liệu tới 30/9 của Viện nghiên cứu Tokyo MM. Thị phần của iPhone ở Mỹ trong quý 3 là 36%, theo Kantar.
iPad cũng chiếm trên 50% thị phần tablet tại Nhật, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2013.
Bởi vì bán iPhone muộn nhất nên Docomo đã tung ra hàng loạt chính sách giá khủng để hút thuê bao của nhà mạng khác hay khuyến khích thuê bao cũ của mình chuyển sang iPhone. Động thái này của hãng khiến nhà mạng KDDI và Softbank, hai nhà mạng xếp sau Docomo phải nghiên cứu việc giảm giá sản phẩm. Cả 3 nhà mạng hiện đang bán iPhone 5s với giá tiêu chuẩn, không bắt người dùng phải trả trước một khoản phí nào.
“Apple sẽ chiếm 50% thị phần Nhật Bản trong năm sau”, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Cowen & Co cho hay, sau khi dự báo Apple sẽ bán từ 11 tới 12 triệu iPhone trong năm 2013, gần như gấp đôi so với năm 2012. Năm tới, lượng bán sẽ tăng lên tới 20 triệu chiếc. Trên toàn cầu, ông dự đoán lượng bán iPhone sẽ tăng 16% trong năm nay và 10% vào năm sau.
Nhật hiện đang là thị trường smartphone lớn thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Hiện Nhật có 50,15 thuê bao di động dùng smartphone.
Một nguyên nhân thành công của iPhone ở Nhật đó là mức sống cao của quốc gia này. Nguyên nhân thứ hai khá là giống Mỹ, khi người dùng tại hai thị trường này thường sử dụng di động theo gói cước “trả sau” hơn. Vì thế, iPhone có mức giá khá rẻ so với túi tiền của người Nhật.
Tại các thị trường mà người dùng ưa các gói cước “trả trước” hơn, cái giá quá cao của iPhone cản trở nó thống trị thị trường.
Như ở Trung Quốc, hai smartphone mới nhất của Apple, iPhone 5c và iPhone 5s đều có giá đắt gấp đôi so với sản phẩm nội địa có màn hình lớn hơn. Trong quý vừa rồi, Apple đứng thứ 5 trong top các nhà sản xuất smartphone ở Trung Quốc. Việc thương thảo giữa Apple và nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, China Mobile về việc phân phối iPhone vẫn tiếp tục diễn ra. Theo tờ Thời báo phố Wall, thì nhà mạng China Mobile cũng sắp phân phối iPhone.
Ở Ấn Độ, nơi 2/3 số smartphone bán ra có giá rẻ hơn 200 USD, thị phần của Apple chỉ đạt 5%.
Một thành tố đặc trưng của Nhật làm nên thành công của iPhone ở thị trường này là do tâm lý ghét Hàn Quốc của người dân nước này. Khi mà Samsung, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới chỉ đứng thứ 4 ở Nhật, sau Apple, Sony và Sharp.
Bên cạnh đó, Apple còn hưởng lợi từ việc các tập đoàn điện tử khổng lồ của Nhật gặp khủng hoảng. Đầu năm nay, NEC tuyên bố sẽ ngừng sản xuất smartphone, còn Panasonic cho biết sẽ xem xét việc dừng sản xuất smartphone cho thị trường phổ thông.
Doanh số của Apple tại Nhật tăng 27% lên 13,5 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào 28/9, so với mức tăng trưởng 12,8% ở Trung Quốc và 4,1% ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Tăng trưởng lợi nhuận của Apple tại Nhật bị ảnh hưởng do đồng yên đang ngày càng yếu đi.
Nhật đang trở thành thị trường đem lại hệ số lợi nhuận hoạt động ( operating profit margin) lớn nhất cho Apple với lợi nhuận biên vượt mức 50%, so với 35% trên toàn cầu.
Hằng Phan