Rất may là đến sáng ngày 3/1 thì mọi thứ đã trở lại bình thường, người dùng không còn phải cung cấp thông tin đăng nhập Apple ID nữa mà vẫn kiểm tra tình trạng bảo hành từ website của Apple tại địa chỉ https://checkcoverage.apple.com.
Trước đó, không chỉ trên website mà ngay cả trong công cụ kiểm tra trong About của máy tính Mac thì bạn sẽ buộc phải nhập Apple ID vào sau đó mới có thể xem được thông tin bảo hành cũng như thời hạn của các dịch vụ hỗ trợ khác từ Apple.
Động thái "rung cây dọa khỉ" này của Apple đã khiến khá nhiều dân buôn iPhone tại Việt Nam "dựng tóc gáy", nhất là với những gian thương buôn bán máy dựng, máy ăn cắp và thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi.
Việc đăng nhập Apple ID sẽ đảm bảo chiếc iPhone hay iPad đang được bán không phải là máy ăn cắp, hoặc ít nhất thì cũng bị mông má lại trước khi đưa đến tay người dùng cuối. Việc đăng nhập Apple ID này cũng giúp nhắc nhở người mua yêu cầu người bán phải gỡ tài khoản Apple ID ra khỏi máy trước kia giao, tránh bị tống tiền về sau.
Trong quá khứ, có rất nhiều người mua thiết bị Apple nhưng "hồn nhiên" không hỏi thông tin gì về tài khoản Apple ID trên máy. Sau khi giao tiền, nhận máy và sử dụng 1 thời gian thì chiếc điện thoại hay iPad bỗng nhiên trở thành "cục gạch" do bị chính người bán cũ hay kẻ gian khóa Apple ID từ xa. Lúc đó, chỉ có cách trả tiền chuộc thì mới mong sử dụng lại được máy.
Việc yêu cầu phải đăng nhập tài khoản Apple ID cũng làm khó cho các cửa hàng chuyên bán máy xách tay, bởi khách hàng khi kiểm tra máy sẽ phải yêu cầu chủ cửa hàng bóc hộp, đăng nhập vào máy sau đó mới kiểm tra được thay vì chỉ cần gõ IMEI trên vỏ hộp như trước. Nếu chiếc máy không bán thành công, thì giá trị sẽ bị giảm đi do không còn nguyên seal.
Nhiều người cho rằng động thái này của Apple cho thấy hãng không muốn thị trường hàng xách tay phát triển bùng nổ như trong nhiều năm qua nữa. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Táo khuyết đã gỡ bỏ bước đăng nhập phức tạp này chỉ sau 24 giờ.