Chiều ngày 6/6, CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương (Chứng khoán Apec - HNX: APS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 lần thứ hai.
Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, tính đến 14h25, Đại hội có sự tham dự của 136 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện 30,19 triệu cổ phần, tương đương 36,37% vốn điều lệ.
Đại hội thường niên năm 2024 tổ chức lần thứ hai của APS đạt đủ điều kiện để tổ chức theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty.
Năm 2024, APS lên kế hoạch doanh thu hoạt động đạt hơn 123,4 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 49 tỷ đồng. Chi tiết về doanh thu, kế toán trưởng APS cho biết 100 tỷ đồng đến từ tự doanh, 13 tỷ đồng từ hoạt động cho vay margin và 10 tỷ đồng từ các hoạt động khác. Công ty có kế hoạch không chia cổ tức trong năm nay.
Lãnh đạo công ty cho biết, tính đến ngày 31/5, APS ghi nhận doanh thu hoạt động 166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 99 tỷ đồng. Hiện các chỉ tiêu này đã vượt kế hoạch đề ra cả năm, song vẫn cần chờ chốt số tự doanh thời điểm cuối năm nay để có kết quả chính xác.
Để hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra, APS sẽ tiếp tục chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả hoạt động trong ba lĩnh vực chính: Môi giới, Margin và Tự doanh.
Trả lời cổ đông về kế hoạch tăng vốn, Chủ tịch HĐQT Vũ Trọng Quân cho biết, trên thực tế công ty tài chính càng nhiều vốn càng dễ làm. Việc tăng vốn sẽ giải quyết 2 trụ cột chính của APS là margin và tự doanh. Tuy nhiên việc hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào thị trường.
Trước đó trong năm 2023, APS có kế hoạch tăng vốn thông qua 3 đợt phát hành từ chia cổ tức bằng cổ phiếu lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Theo đó, APS dự kiến phát hành 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỉ lệ 10%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu mới.
Sau khi chia cổ tức, Chứng khoán APS sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi hoàn thành các đợt chia cổ tức và chào bán nêu trên, Chứng khoán Apec sẽ chào bán 5% cổ phiếu ESOP. Giá chào bán cho người lao động không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo kế hoạch, nếu phát hành thành công 3 phương án trên vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 830 tỷ đồng lên 2.00 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này doanh nghiệp sẽ dùng để bổ sung vốn cho các hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính chứng khoán và hoạt động margin.
Tuy nhiên Chủ tịch HĐQT APS thông tin, do năm 2023 có biến động về nhân sự nên công ty chưa thể triển khai phát hành cổ phiếu theo dự kiến.
Tại Đại hội, ông Vũ Trọng Quân cho biết mục tiêu trong những năm tới, APS sẽ cung cấp nền tảng quản lý toàn bộ tài sản của nhà đầu tư dựa trên công nghệ.
Để thực hiện hoá mục tiêu trên, Chứng khoán Apec kỳ vọng trở thành công ty chứng khoán quản lý 1 triệu khách hàng trong nước và khu vực trong 5 năm tới, ứng dụng các công nghệ mới thông qua AI, Bigdata, giao dịch thuật toán.
Song, công ty sẽ triển khai, đưa ra sản phẩm quản lý tài sản thông qua M&A, thành lập mới công ty quản lý quỹ. APS cũng mong muốn trở thành tổ chức trung gian huy động vốn cho các tổ chức và doanh nghiệp lớn thông qua các hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 5 vừa qua APS đã tăng 66,04%, tương ứng từ 3.500 đồng/cổ phiếu lên 8.800 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau đà tăng nóng, đến phiên 29/5, APS đã giảm kịch sàn 9,09% xuống 8.000 đồng/cổ phiếu và dư bán 1,8 triệu đơn vị. Tại phiên giao dịch ngày 6/6, mã APS dừng ở mức 8.400 đồng/cổ phiếu.
Cùng trong hệ sinh thái Apec, cổ phiếu API của CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương và IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng có phiên giao dịch ngày 29/5 u ám sau chuỗi tăng tích cực.
Cụ thể, API giảm kịch sàn trong phiên 29/5 về 10.200 đồng/cổ phiếu và dư bán 2,4 triệu đơn vị. Trước đó mã này đã tăng nóng từ 4.700 đồng/cổ phiếu lên 11.300 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng với nhiều phiên tăng trần liên tiếp.
Tương tự, IDJ giảm 8,75% xuống 7.300 đồng/cổ phiếu và dư bán hơn 2,24 triệu đơn vị. Chỉ trong 1 tháng trước đó, IDJ đã tăng 73,91% từ 4.600 đồng/cổ phiếu lên 8.000 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 28/5.
Đà tăng của bộ ba trên trùng hợp với việc ông Nguyễn Đỗ Lăng - nguyên Chủ tịch Apec Group, cựu Thành viên HĐQT API xuất hiện trong ĐHĐCĐ của API ngày 10/5 sau khi vướng lùm xùm.