Trước thềm năm mới, Armenia đã có một động thái đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong các hoạt động an ninh của quốc gia vùng Kavkaz (Caucasus).
Cụ thể, mọi hoạt động tại trạm kiểm soát Agarak nằm dọc biên giới Armenia-Iran do Lực lượng Biên phòng Armenia thực hiện kể từ ngày 30/12, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo trên trang Facebook chính thức của mình.
"Bắt đầu từ hôm nay, trách nhiệm kiểm soát biên giới tại trạm kiểm soát Agarak sẽ nằm trong tay Lực lượng Biên phòng Armenia", ông Pashinyan tuyên bố.
Người đứng đầu chính phủ ở Yerevan bày tỏ lòng biết ơn đối với Lực lượng Biên phòng Nga, ghi nhận hoạt động của họ trong hơn 3 thập kỷ kể từ khi Armenia tuyên bố độc lập.
"Tôi muốn cảm ơn các nhân viên của Lực lượng Biên phòng Liên bang Nga vì sự phục vụ của họ. Và đối với những người lính biên phòng của chúng tôi, những người đã đảm nhận trách nhiệm này bắt đầu từ hôm nay, tôi chúc họ thành công", Thủ tướng Armenia nói thêm.
Lần đầu tiên kể từ khi tuyên bố độc lập, Armenia đã thay Nga nắm toàn quyền kiểm soát cửa khẩu Agarak dọc theo biên giới của quốc gia vùng Kavkaz với Iran.
Quyết định này được đưa ra sau một thỏa thuận giữa Thủ tướng Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các cuộc hội đàm song phương tại Moscow vào tháng 10 năm ngoái.
Động thái tiếp quản trạm kiểm soát Agarak, diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau khi lực lượng Nga rút khỏi sân bay quốc tế Zvartnots ở Yerevan, phản ánh sự thay đổi lớn hơn trong chính sách an ninh của Armenia trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Moscow.
Trong một thỏa thuận liên quan khác được công bố vào tháng 10 năm ngoái, các quan chức Armenia tiết lộ rằng, bắt đầu từ năm 2025, lực lượng biên phòng Armenia sẽ tham gia cùng các đối tác Nga của họ trong việc bảo vệ biên giới của Armenia với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định của Armenia về việc đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với biên giới của mình diễn ra trong bối cảnh các liên minh đang thay đổi và Yerevan đánh giá lại sự phụ thuộc của mình vào Moscow, đặc biệt là sau phản ứng hạn chế của Nga đối với các cuộc xung đột gần đây giữa Armenia và Azerbaijan.
Sự chuyển đổi này cũng phản ánh các luồng địa chính trị rộng hơn. Mối quan hệ của Armenia với Iran, một đồng minh quan trọng trong khu vực, vẫn bền chặt, với sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và thương mại thúc đẩy quan hệ. Hai quốc gia có chung đường biên giới dài 44 km và Iran coi Armenia là đối trọng chiến lược với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tehran luôn nhấn mạnh lợi ích của mình trong việc duy trì sự ổn định dọc theo biên giới phía Bắc, nơi các cuộc xung đột khu vực thường giao thoa với các chia rẽ sắc tộc và tôn giáo.
Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích từ Bộ Ngoại giao Nga, nơi cảnh báo rằng sự thay đổi này có thể làm suy yếu an ninh và sự ổn định kinh tế của Armenia. Bất chấp những cảnh báo này, các quan chức Armenia vẫn khẳng định rằng sự thay đổi này là một bước tiến tới chủ quyền lớn hơn.
Những động thái đang phát triển ở Nam Kavkaz cho thấy sự tái cơ cấu liên tục. Việc Armenia hiệu chỉnh lại chính sách quốc phòng và đối ngoại của mình có thể có những tác động lâu dài, đặc biệt là khi nước này giải quyết căng thẳng với Azerbaijan và quản lý các liên minh với Iran và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.
Minh Đức (Theo Iran International, Caliber.Az)