Theo các điều khoản của thỏa thuận vũ khí mới nhất giữa Pháp và Armenia, Pháp sẽ cung cấp 36 khẩu pháo tự hành CAESAR cho Armenia trong 15 tháng tới, một quan chức cấp cao ở Yerevan xác nhận hôm 25/6.
Bộ Quốc phòng Armenia và nhà sản xuất pháo Pháp đã ký hợp đồng trong cuộc đàm phán do Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tổ chức tại Paris vào ngày 17/6. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu mô tả đây là một “cột mốc quan trọng mới” trong quan hệ quân sự Pháp-Armenia. Không có chi tiết nào của hợp đồng được chính thức công bố vào thời điểm đó.
Một ngày sau, hôm 18/6, tờ báo Le Figaro của Pháp và trang web tin tức quốc phòng Forces Operations Blog đưa tin rằng Armenia đã mua 36 khẩu CAESAR và chúng sẽ được giao trong vòng 15 tháng.
“Tất nhiên, báo cáo của Le Figaro dựa trên thông tin do Bộ Quốc phòng Pháp cung cấp. Chúng tôi chắc chắn sẽ không phủ nhận điều đó”, ông Armen Khachatrian, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Armenia nói với chi nhánh Armenia của Đài RFE/RL.
Với tầm bắn hơn 40 km, CAESAR là một trong những hệ thống pháo binh tiên tiến nhất thế giới. Pháp cùng với Đan Mạch đã gửi tặng Ukraine khoảng 50 hệ thống pháo tự hành bánh lốp 155 mm như vậy kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu năm 2022.
Đầu năm nay, Kiev đã mua thêm 6 khẩu pháo Pháp nữa với giá 3-4 triệu Euro (3,3-4,4 triệu USD) mỗi chiếc.
“Chúng đã chứng minh tính hiệu quả của mình trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới”, ông Khachatrian nói. “Pháp đã bán hệ thống pháo đó cho rất ít quốc gia… Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là phải có những hệ thống như vậy để đạt được các mục tiêu phòng thủ của mình”.
Nhà lập pháp mô tả việc mua sắm những khẩu pháo tiên tiến của phương Tây như CAESAR là “một phần” của quá trình “hiện đại hóa hoàn toàn” các lực lượng vũ trang của Armenia vốn đang diễn ra. Xem thêm về pháo tự hành CAESAR trong thực chiến ở Ukraine tại đây.
Mùa thu năm ngoái, Paris đã cam kết bán vũ khí phòng thủ và cung cấp hỗ trợ quân sự khác cho Yerevan. Đây là một phần trong nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương vốn đã được củng cố bởi sự hiện hữu của một cộng đồng người Armenia có ảnh hưởng ở Pháp. Vũ khí của Pháp bao gồm các radar tinh vi, hệ thống phòng không tầm ngắn và xe bọc thép chở quân.
Azerbaijan lên án thương vụ này là “một bằng chứng khác về hành động khiêu khích của Pháp ở Nam Caucasus”, sẽ tạo ra một “điểm nóng” xung đột mới trong khu vực. Thỏa thuận này cũng vấp phải sự chỉ trích từ Nga, một đồng minh truyền thống của Armenia. Bộ Ngoại giao Nga cho biết hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Nam Caucasus.
Ông Khachatrian bác bỏ những lời chỉ trích của Nga là “không thể hiểu nổi”. Ông cho rằng Moscow hiện không đủ khả năng để giúp Armenia “tăng cường khả năng phòng thủ”.
Nga từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí và đạn dược chính của Armenia. Căng thẳng giữa hai quốc gia đã gia tăng đều đặn kể từ cuộc chiến năm 2020 ở Nagorno-Karabakh, với việc Yerevan cáo buộc Moscow không tôn trọng các cam kết an ninh của mình.
Quốc gia Nam Caucasus này cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp vũ khí khác vì cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine đang tiêu tốn phần lớn nguồn lực quân sự của Nga. Kể từ tháng 9/2022, Armenia được cho là đã ký một loạt hợp đồng quốc phòng với Ấn Độ trị giá hàng trăm triệu USD.
Minh Đức (Theo RFE/RL)