Thoạt nhìn, điều đó sẽ khiến Ligue 1 trở nên đang chú ý hơn. Nhưng trên thực tế các CLB Pháp đã tính đến khả năng không cho Monaco dự Ligue 1. Đội bóng vừa vô địch Ligue 2 hoàn toàn không phải trả thuế thu nhập cho các cầu thủ. Dù đây đã là một thực tế có từ lâu, CLB khác cảm thấy bất công khi áp lực về tài chính ngày một đè nặng lên họ.
Các CLB Pháp không chào đón Monaco
Hồi tháng Ba vừa qua, thông qua Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp Pháp (LFP), các CLB đã đưa ra quyết định giới hạn những đội bóng được dự Ligue 1 sẽ phải có trụ sở nằm trong biên giới Pháp, với mục đích đóng thuế. Điều đó sẽ khiến Monaco hoặc phải thay đổi, hoặc từ bỏ quyền được tham dự Ligue 1. Monaco phản đối rất dữ dội.
Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) đã buộc phải đứng ra hòa giải. Giải pháp thỏa hiệp được đưa ra là Monaco sẽ trả khoảng 170 triệu bảng trong vòng 6 hay 7 năm tới để thuyết phục các đội bóng khác. Nhưng điều đó khiến Chủ tịch Rybolovlev giận dữ, ông bước thẳng ra khỏi phòng họp, và Monaco kiện lên tòa án tối cao của Pháp, tuyên bố rằng quyết định của LFP “vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp của nước Pháp và Châu Âu, đặc biệt là nguyên tắc về tự do cạnh tranh và tham gia vào các giải đấu thể thao, và cả hiệp ước về thuế Franco-Monegasque được kí vào ngày 18/2/1963”.
Monaco tin rằng họ sẽ thắng kiện, nhưng sẽ phải mất vài tháng để đưa ra phán quyết cuối cùng. Trong thời gian đó, đội bóng công quốc khẳng định sẽ không đàm phán tiếp trừ khi LFP rút lại lời đe dọa loại họ khỏi giải. Đồng thời, Monaco đưa về một loạt các cầu thủ chất lượng, không chỉ khiến họ mạnh hơn, mà còn khiến Ligue 1 hấp dẫn hơn đối với các nhà tài trợ, các kênh truyền hình và các CĐV.
Nhưng bóng đá Pháp cần Monaco
Monaco tin rằng quả bóng đang nằm trong chân họ và nếu các đội bóng Pháp khác muốn có lợi, thì phải khôn ngoan hơn. Tạp chí France Football nhấn mạnh rằng kể từ khi nổ ra mâu thuẫn, Monaco không mua một cầu thủ nào từ các đội bóng của Pháp: “Mục đích lúc đầu của Monaco là chủ yếu chiêu mộ các cầu thủ từ Ligue 1. Trong danh sách họ muốn chiêu mộ có Aurier (Toulouse), Cabella (Montpellier), Chedjou (Lille), Corchia (Sochaux), Gonalons và Lisandro Lopez (cùng Lyon), Isimat-Mirin (Valenciennes)... Tuy nhiên, Dmitry Rybolovlev có vẻ đã thay đổi quan điểm một cách triệt để kể từ sau khi nảy sinh mâu thuân giữa 2 phía. Nếu Monaco chỉ mua cầu thủ từ nước ngoài, các đội bóng Pháp sẽ chẳng được lợi gì cả”.
Giám đốc thể thao của Monaco, Vadim Vasilyev, phủ nhận những bản hợp đồng mới của đội bóng có ý đồ gửi một thông điệp đến các CLB của Pháp: “Chúng tôi đã liên hệ với một số cầu thủ chất lượng đang thi đấu ở Ligue 1. Các tuyển trạch viên của chúng tôi hiểu rõ thị trường này. Nhưng mua những cầu thủ đang thi đấu ở Pháp là không đơn giản, nhiều đội bóng không muốn bán, và một số đội khác thì tin rằng Monaco sẽ tiêu tiền không hề suy nghĩ. Điều đó là không đúng: chúng tôi sẽ chỉ trả theo giá thị trường. Chúng tôi muốn nâ ng cấp đội hình hiện tại, nhưng không muốn làm cách mạng. Giữ cân bằng cho đội bóng là điều cần thiết”.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc các đội bóng khác tỏ ra ghen tị với Monaco là điều dễ hiểu. Nhưng có lẽ thay vì tìm cách “đá” Monaco ra khỏi giải đấu của mình, người Pháp nên học cách chấp nhận họ, bởi suy cho cùng, đội chủ sân Louis II đang góp phần nâng cao hình ảnh của bóng đá Pháp, đất nước vẫn thường để mất những tài năng sáng giá nhất, thay vì mua về những ngôi sao đẳng cấp.
Theo Thể thao Văn hóa