Đó chính là huyền thoại màn bạc Audrey Hepburn. Nhắc đến Audrey, người ta không chỉ nghĩ đến một biểu tượng của cái đẹp mà còn nhớ đến một đại sứ từ thiện giàu lòng nhân ái.
Phá vỡ chuẩn mực thời đại
Audrey Hepburn sinh năm 1929 trong một gia đình quý tộc. Đam mê của bà là múa cổ điển và chính đam mê này đã đưa bà đến với màn bạc đầy ánh hào quang và cả những cạm bẫy nguy hiểm. Thời đó, Hollywood chỉ ưa chuộng, tôn thờ những người phụ nữ hơi đẫy đà như Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor, Kim Novak hay Lana Turner, còn Audrey khá cao và có dáng người thanh mảnh chứ không sở hữu thân hình đồng hồ cát "bốc lửa". Nhưng chính cái lạ đó đã trở thành biểu tượng mới cho cái đẹp.
Hình ảnh nàng công chúa trẻ trung tươi cười trên chiếc Vespa của Audrey trở thành biểu tượng nổi tiếng. Phụ nữ khắp thế giới bắt đầu học theo hình ảnh duyên dáng ấy của Audrey Hepburn. Họ cắt phăng mái tóc dài bấy lâu và học theo cách phối đồ của nữ minh tinh trong Roman Holiday (Kỳ nghỉ lãng mạn). Sự xuất hiện của bà giúp phụ nữ tự tin hơn với chính mình. Thời báo New York nhận xét: "Audrey mang một vẻ duyên dáng mới lạ, dáng vẻ như đàn ông mà phong cách lại rất nữ tính. Chính Audrey Hepburn đã khiến 50% các cô gái trẻ không còn nhồi bông vào áo lót để làm nở ngực và cũng ít người "cưỡi" lênh khênh trên những đôi giày cao gót".
Huyền thoại thời trang Audrey Hepburn.
Hồi đó, mẫu kính Ray - Ban Wayfarer to sụ, quá khổ không được ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ và có phần nam tính của nó. Nhưng từ sau bộ phim Breakfast at Tiffany's của cô khởi chiếu, mốt kính này bỗng chốc trở nên phổ biến vì "một người gầy gò như Audrey cũng có thể đeo thì ai cũng hợp cả". Cũng trong bộ phim này, hình ảnh quý cô Holly Golightly của Audrey trong chiếc đầm đen dài của nhà tạo mẫu lừng danh Hubert de Givenchy, găng tay dài qua khuỷu, vòng cổ ngọc trai nhiều lớp và mái tóc búi cao tô điểm bằng chiếc vương miện nhỏ đã trở thành một trong những hình ảnh thời trang có sức ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh".
Từ đó, chiếc đầm đen vốn là thứ đồ khó mặc lại trở thành trang phục phải có trong tủ đồ của mọi cô gái. Ngày nay, vẫn còn rất nhiều nữ minh tinh từ châu Âu sang châu Á bắt chước theo hình ảnh bất hủ này của Audrey. Cùng với mũ vải rộng vành, áo trench coat, mắt kính, chiếc đầm đen ấy của Givenchy đã trở thành biểu tượng kinh điển gắn liền với bộ phim và tên tuổi của nữ minh tinh Audrey.
Nhưng phong cách nam tính được chấp nhận và chinh phục giới nữ mạnh nhất có lẽ chính là chiếc quần lửng và đôi giầy búp bê của bà trong bộ phim Sabrina năm 1954. Chiếc quần lửng được cho là "thô kệch" và "nam hóa" đối với phái yếu bỗng chốc lên ngôi và trở thành thứ đồ thời trang yêu thích của phần lớn giới trẻ thời đó và vẫn là vật không thể thiếu trong tủ quần áo mỗi người phụ nữ ngày nay. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Cecil Beaton viết: "Trước chiến tranh, không ai mặc như Audrey Hepburn cả.
Với cách ăn mặc phá cách, một người phụ nữ sẽ dễ bị cho là lập dị nhưng nhờ sự táo bạo của Andrey, phong cách "lập dị" mà đầy thời trang ấy đã tạo thành "cơn sốt" và cho đến ngày nay, hàng triệu người đã khoác lên mình những bộ quần áo như thế và gọi chúng là "bộ cánh" Audrey". Cũng như Coco Chanel, Audrey không chỉ làm thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ mà còn biến đổi hoàn toàn cách nhìn, cách đánh giá của phụ nữ về chính bản thân mình. Đặc biệt, gu thời trang của Audrey còn ảnh hưởng mạnh tới nhiều ngôi sao thế hệ sau như ca sĩ Maria Callas hay diễn viên Keira Knightley. Ngay cả các nhân vật trong bộ phim hoạt hình "Người đẹp ngủ trong rừng" của Walt Disney năm 1959 cũng ăn theo phong cách ăn mặc "lập dị" của bà. Có thể nói, Audrey Hepburn không chỉ làm thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ, mà còn biến đổi hoàn toàn cách nhìn, cách đánh giá của phụ nữ về chính bản thân mình.
Không chỉ trong các bộ phim, phong cách Audrey ngoài đời thường cũng rất đáng ngưỡng mộ. Từ phim ảnh, thảm đỏ Oscar cho tới trên đường phố, trang phục của Audrey luôn đơn giản mà tinh tế, trở thành nguồn cảm hứng bất tận của làng thời trang, đặc biệt là cho nhà thiết kế Givenchy, người bạn lớn suốt cả đời nàng. Không chỉ đi tiên phong với nhiều xu hướng thời trang mới lạ, Audrey còn tôn vinh một phong cách trang điểm "lạ lùng" với đôi lông mày đậm, xếch và to, nhấn mạnh vào đôi mắt kẻ viền đen trong veo, kết hợp với mái tóc cắt ngắn gọn gàng nhưng vẫn làm nổi bật nét nữ tính trong bà.
Chỉ cần đơn giản về phong cách cộng thêm vóc dáng "khó ưa", Audrey Hepburn đã trở thành huyền thoại điện ảnh của những thập niên 50, 60 thế kỷ trước. Trong hầu hết các cuộc bầu chọn, bà đều được tôn vinh là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 20. Theo tạp chí Vogue, với phong cách thời trang riêng biệt, đẹp lôi cuốn và cá tính không thể trộn lẫn cả trên màn ảnh lẫn ngoài đời thường, Audrey cũng được coi là một biểu tượng kinh điển của làng thời trang thế giới qua nhiều thập kỷ.
Đại sứ từ thiện mang tên Audrey
Hoàn thành xuất sắc vai trò diễn viên, từ năm 1988, Audrey Hepburn trở thành đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF ở châu Phi - Mỹ Latinh và cho đến cuối đời, bà vẫn được nhớ đến như một đại sứ giàu lòng nhân ái nhất thế giới. Nạn đói đang hoành hành tại các nước châu Phi và những đứa trẻ tội nghiệp chính là nạn nhân trực tiếp phải gánh chịu.
Để tuyên truyền và cảnh báo với thế giới về nạn đói mà chính bà đã từng trải qua trong Thế chiến thứ hai, từ năm 1988 đến năm 1992, Audrey đã thực hiện trên 50 chuyến đi tới các nước Sudan, El Salvador, Honduras, Mexico, Venezuela, Ecuador, Bangladesh, Thái Lan, Ethiopia, Eritrea, Somalia. Và tháng 10/1990, Audrey đã có chuyến viếng thăm Việt Nam trong một chương trình về nước sạch của UNICEF.
Thậm chí, với mong muốn bảo vệ trẻ em mãnh liệt, bà đã tham gia vào loạt phim truyền hình có tựa "Gardens of the World" (Những khu vườn thế giới) và phát trên đài PBS của Mỹ vào đúng ngày bà mất. Bộ phim đã tác động mạnh đến người dân trên toàn thế giới và tất cả cùng rung động trước lối diễn xuất quá tự nhiên mà tràn đầy sâu sắc của bà. Thông điệp bà gửi đến thế giới đã được truyền đi nhanh chóng và tạo hiệu ứng khá tốt cho các hoạt động tuyên truyền của UNICEF. Ngoài ra, Audrey còn ghi âm một CD kể chuyện cho trẻ em do bà đọc: Audrey Hepburn's Enchanted Tales. Cũng với album này, năm 1993, sau khi mất, bà đã nhận một giải Grammy truy tặng dành cho album hay nhất về trẻ thơ. Tổng thống Mỹ George H.W.Bush cũng đã tặng Audrey Huân chương tự do của Tổng thống để ghi nhận những cống hiến và hoạt động nhân đạo của bà.
Theo những tâm sự của Audrey khi tham gia, hợp tác cùng UNICEF, bà cho biết, bà đồng ý làm đại sứ thiện chí là mong muốn xuất phát từ quá khứ: "Tôi từng là một đứa trẻ suy dinh dưỡng độ nặng vào những năm sau chiến tranh. Vào lúc khó khăn đó, UNICEF đã đến, trợ giúp tôi tồn tại và có được sự thành công như ngày hôm nay. Suốt cả đời tôi sẽ luôn biết ơn UNICEF. Hơn hết, tôi thấu hiểu sự khó khăn của những đứa trẻ khi trải qua nạn đói và bị lạm dụng. Tôi mong một cuộc sống tốt đẹp hơn đến với những đứa trẻ tội nghiệp thông qua sự góp sức nhỏ bé của mình". Sau khi bà mất, con trai cả của Audrey Hepburn, Sean Hepburn Ferrer, đã thành lập quỹ Audrey Hepburn Children's Fund, duy trì các hoạt động nhân đạo của mẹ. Để tưởng nhớ và vinh danh một nữ huyền thoại giàu lòng nhân ái, UNICEF đã cho xây một bức tượng mang tên "Tinh thần Audrey Hepburn" đặt tại trụ sở của tổ chức quốc tế này.
"Chúa đã có thêm một thiên thần thật đẹp" Cuối năm 1992, Audrey bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh đau dạ dày. Ban đầu, bà không mảy may nghĩ đến vấn đề nghiêm trọng của bệnh, bà chỉ nghĩ do nhiễm khuẩn một virus ở châu Phi, nhưng đó thực sự là chứng bệnh ung thư ruột và đã đến giai đoạn cuối. Ngày 20/1/1993, Audrey mất tại Tolochenaz, hạt Vaud (Thụy Sỹ). Sau khi Audrey qua đời, nữ diễn viên Elizabeth Taylor xúc động bày tỏ: "Audrey là một quý bà thanh lịch và duyên dáng không ai có thể sánh được. Tình yêu của Audrey dành cho những trẻ em kém may mắn trên khắp thế giới là vô cùng rộng lớn. Nay Audrey đã về với Chúa và Chúa đã có thêm một thiên thần mới thật đẹp... ". |
Hồng Nhung (Theo Biography)